Những năm gần đây, để ứng phó với xu thế hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng bất thường, gay gắt, nông dân trong tỉnh đã có các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, nhất là cây trồng cạn, giúp chủ động tưới tiêu theo hướng hiện đại.
Những năm gần đây, để ứng phó với xu thế hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng bất thường, gay gắt, nông dân trong tỉnh đã có các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, nhất là cây trồng cạn, giúp chủ động tưới tiêu theo hướng hiện đại
.
|
Túi nhựa dẻo và bồn nhựa trữ nước ngọt được hỗ trợ cho hộ dân vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. |
Các giải pháp trữ nước
Ở tỉnh ta, trong mùa khô, hộ dân thường trữ nước trong ao hồ, mương vũng, đắp đập tạm, lu, thùng… hoặc khai thác nước ngầm để tưới, sinh hoạt thay cho nguồn nước mặt bị nhiễm mặn. Những năm gần đây, ở các xã bị nhiễm mặn cao thuộc các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, người dân và các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) đã sử dụng giải pháp trữ nước ngọt bằng công nghệ vật liệu mới, đó là túi, bồn nhựa và bể hay bạt trữ nước bằng công nghệ HDPE.
Công nghệ túi nhựa dẻo có ưu điểm là túi kín nên lượng nước không bị bốc hơi, không bị ô nhiễm; vận hành đơn giản, dễ thau rửa. Túi có khối lượng rất nhẹ (túi 10m3 có khối lượng 70kg) nên vận chuyển rất dễ dàng (túi có thể gập đi gập lại 70 lần), phù hợp với vùng sâu, vùng xa. Công tác thi công, lắp đặt đơn giản, tốn ít thời gian, túi 10m3 chỉ mất khoảng 1 giờ để lắp đặt. Túi chứa có rất nhiều kích cỡ, dung tích có thể từ 5 - 2.000m3, có độ bền cao, chịu được nhiệt độ từ -300C đến +700C. Tuổi thọ hàng chục năm.
Còn bồn nhựa cũng có đặt tính như túi nhưng cứng hơn. Bồn có nắp đậy, thường dùng trữ nước ngọt sinh hoạt hơn là để tưới cây trồng vì có dung tích nhỏ hơn túi. Năm 2020 - 2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cấp phát trên 3.500 túi, bồn trữ nước hỗ trợ những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở các xã thuộc vùng bị nhiễm mặn (túi 7m3 và bồn 500 lít) giúp hộ dân giảm bớt khó khăn trong đợt hạn, mặn mùa khô năm 2019 - 2020.
Bể hay bạt chống thấm công nghệ HDPE là vật liệu phổ biến dùng để chống thấm các công trình xây dựng công nghiệp, nông lâm thủy sản. Sản phẩm có kích cỡ và độ dày khác nhau, độ dày phổ biến từ 0,03 - 3mm. Đặc tính của màng HDPE là hệ số thấm gần như tuyệt đối, cường độ chịu kéo, độ kháng xuyên thủng, độ dãn dài lớn, chống lão hóa, kháng tia UV, không gây độc hại ảnh hưởng tới con người và môi trường. Tuổi thọ thiết kế lên đến trên 25 năm.
Tại Vĩnh Long, những năm qua, nhiều nhà vườn ở các xã bị nhiễm mặn đã sử dụng bạt chống thấm công nghệ HDPE (loại mỏng) để làm bể trữ nước ngọt rất hiệu quả. Bể chứa từ vài chục mét khối đến hàng ngàn mét khối, dùng trữ nước ngọt để tưới cho cây trồng và cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình trong suốt mùa khô, xâm nhập mặn.
Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Giải pháp này được sử dụng từ lâu. Trong những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh (nhất là ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ) đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tập trung đầu tư xây dựng các mô hình mẫu tưới tiên tiến, tiết kiệm. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, hộ dân tự đầu tư, mở rộng công nghệ này nhân rộng trong thực tế sản xuất.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có hơn 14.000ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (chiếm gần 15% tổng diện tích). Trong đó, phần lớn là loại hình công nghệ tưới phun mưa (trên 13.200ha), tưới nhỏ giọt hơn 5ha, còn lại số ít là tưới tiết kiệm trong nhà lưới, nhà kính. Riêng TX Bình Minh có 220ha rau màu (chiếm 100% diện tích rau màu hiện có ở thị xã, chủ yếu là cải xà lách xoong và rau diếp cá) và 660ha cây ăn trái (chiếm 50%, chủ yếu là bưởi năm roi) áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa; 0,2ha dưa lưới được tưới thủy canh hồi lưu.
Hiện có trên 30 công ty, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã áp dụng kỹ thuật tưới nước bằng pec phun mưa trên 620ha dưa leo, dưa lưới, xoài, chôm chôm, thanh long, bưởi, khoai lang...
Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới được sản xuất trong nước hoặc người dân tự chế (cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài) và chỉ có một phần nhỏ có xuất xứ từ nước ngoài (Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc,...). Chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun mưa do dân tự lắp bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha (gồm đường ống, pec phun, đường điện và máy bơm), còn Nhà nước đầu tư thì khoảng 10 triệu đồng/ha. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới thủy canh hồi lưu thì cao hơn 2 - 4 lần. Ở vùng bị nhiễm mặn của tỉnh, nhà vườn đã sử dụng nước từ các bể trữ nước ngọt bằng bạt chống thấm công nghệ HDPE bơm dẫn lên hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, rất hiệu quả.
|
Tưới phun mưa ở vườn mít tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít. |
Kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được đánh giá đã giúp giảm lượng nước tưới so với tưới truyền thống từ 30 - 50%, giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 20 - 50% và giảm lượng phân bón từ 10 - 25%; giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 - 50% và tăng thu nhập của hộ gia đình từ 15 - 30%. Đồng thời, giúp giảm rửa trôi bề mặt đất, tránh thoái hóa đất canh tác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo vệ tài nguyên đất, nước.
Do hiệu quả kinh tế và môi trường của tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mang lại, đặc biệt, trước xu thế của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tưới ngày càng tăng nên công nghệ này đang phát triển mạnh ở Vĩnh Long. Dự báo đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiết kiệm nước của tỉnh có thể lên đến trên 23.000ha (trung bình tăng 2.000 ha/năm).
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin