Trong nhiều năm qua, bếp ăn miễn phí tại các bệnh viện (BV), trung tâm y tế luôn cố gắng duy trì đỏ lửa. Hàng ngàn bữa cơm, phần cháo yêu thương như "liều thuốc" tinh thần giúp người bệnh và thân nhân người bệnh thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, bệnh tật.
(VLO) Trong nhiều năm qua, bếp ăn miễn phí tại các bệnh viện (BV), trung tâm y tế luôn cố gắng duy trì đỏ lửa. Hàng ngàn bữa cơm, phần cháo yêu thương như “liều thuốc” tinh thần giúp người bệnh và thân nhân người bệnh thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Hàng ngàn bữa ăn ấm nóng yêu thương
Toàn tỉnh có 9 bếp ăn miễn phí tại các BV, trung tâm y tế. Đều đặn dù ngày nắng hay mưa, các đội chuẩn bị từ rất sớm, gồm cơm, các món chay, mặn, rau, thịt, cá, cháo… luân phiên nhằm thay đổi khẩu vị cũng như đảm bảo dinh dưỡng.
Đến các bếp ăn, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc cái tâm của biết bao người đã âm thầm phục vụ những bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ trong các BV.
Những bữa cơm, bữa cháo đầy ắp tình người đã được rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tự nguyện đóng góp kinh phí, hàng hóa, công sức để duy trì trong suốt thời gian qua.
Những suất ăn được trao đi, lan tỏa thông điệp yêu thương trong cộng đồng. |
Bếp ăn miễn phí tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long và bếp ăn tại BV Phổi, BV Tâm thần Vĩnh Long với 42 đội, trong 3 năm (2020 - 2022) đã vận động đạt giá trị phúc lợi hơn 10,8 tỷ đồng.
Các bếp ăn miễn phí cung cấp cơm, cháo, nước chín… cho bệnh nhân và người nuôi bệnh với 298.154 suất cơm, 89.805 suất cháo thịt, 65.680 suất cháo trắng, 231.550 lít nước chín.
Bình quân mỗi bếp cấp từ 100 - 150 suất cơm/buổi, mỗi ngày cấp 2 buổi cơm trưa, chiều và 100 suất cháo trắng, nước sôi buổi sáng.
Theo bà Đào Thị Biểu - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, 3 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 bếp phải ngừng hoạt động 9 đợt trong 425 ngày.
Tuy nhiên, với mục tiêu không để bệnh nhân và người nuôi bệnh không có cơm ăn trong những ngày chống dịch, các đội tình nguyện vẫn nấu ở nhà rồi vô hộp, giao đến BV phát cho bệnh nhân.
Anh chị em quản lý 2 bếp vẫn bám trụ giữ gìn tài sản của bếp, khi nhà hảo tâm thông báo nhận cơm thì tìm cách đến nhận trong những ngày cam go nhất của thời gian chống
dịch bệnh.
BS.CK2 Phạm Văn Diên - Giám đốc BV Tâm thần tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: “Trong tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng những nhà hảo tâm vẫn chung tay chăm lo cho bệnh nhân nghèo, đóng góp hơn 10 tỷ đồng là rất lớn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Đa phần người đứng bếp đều lớn tuổi nhưng lại dành thời gian, công sức để lo cho bệnh nhân nghèo, đối tượng lang thang, cơ nhỡ, đối tượng yếu thế, đây là điều rất đáng trân trọng.
BV Tâm thần hoàn thành nhiệm vụ chăm lo sức khỏe, bảo vệ cho người dân có một phần đóng góp, hỗ trợ rất lớn của bà con chăm lo bữa cơm, giảm bớt khó khăn để bệnh nhân an tâm điều trị bệnh. Xin chân thành cảm ơn tình cảm quý báu của bà con đem đến bữa ăn nghĩa tình”.
Đoàn kết cùng sẻ chia
Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Đào Thị Biểu xúc động nói, chương trình bếp ăn miễn phí là một trong những chương trình hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, có ý nghĩa nhân văn, quy tụ đông đảo những tấm lòng nhân ái.
Các đội tích cực đến nấu ăn và chính tay đội phân phối cho bệnh nhân, do đó tạo được sự đồng tình ủng hộ, các đội tham gia ngày càng đông.
Thành phần xã hội phong phú như đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Hòa hảo, cán bộ và thầy cô giáo về hưu, bà con Việt kiều trong và ngoài nước tích cực tham gia.
Anh chị em quản lý các bếp không sợ khó khăn cực khổ, thức đêm nấu cháo, cơm hàng ngày cho bệnh nhân, vận động đội nấu, quản lý giữ gìn tài sản của bếp, giữ mối quan hệ hòa nhã với các đội và bệnh nhân.
Bà Đào Thị Biểu trao giấy khen cho các tập thể có nhiều đóng góp cho bếp ăn từ thiện. |
Đội nấu cơm từ thiện Quảng trường TP Vĩnh Long hoạt động đã hơn 10 năm. Hơn 10 thành viên đều trên 60 tuổi nhưng vẫn duy trì đều đặn mỗi tháng nấu 2 ngày ở BV và đóng góp cho chương trình Địa chỉ nhân đạo 1 triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Huệ là giáo viên về hưu và gắn bó với đội nấu cơm từ năm 2012.
“Chứng kiến biết bao cảnh đời, hình ảnh những người bệnh đi lọc thận, những người bị bệnh đến nhận cơm làm tôi rất xúc động. Những bữa cơm giúp người khó khăn ấm lòng thì tôi cũng vui lây. Và tôi tâm niệm còn sức thì sẽ tiếp tục đến nấu cơm mãi”- cô Huệ bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Thanh - Tổ trưởng quản lý các bếp ăn tại BVĐK tỉnh chia sẻ, hơn chục năm trôi qua, từ những ngày đầu thiếu thốn đủ thứ, được nhà hảo tâm cho từng bao rau củ khệ nệ chở về mà mừng rỡ.
Bếp có thể duy trì và nhận được nhiều sự giúp đỡ bởi sự cố gắng, tận tụy của tất cả các đội và trên hết là ý nghĩa thiết thực mà ai cũng thấy được, giúp đỡ cho hàng ngàn mảnh đời được no bụng những lúc ốm đau, bệnh tật, lúc khó khăn nhất.
Hình ảnh mà cô Thanh không thể quên là cô con gái đến BV nuôi mẹ, trong khi gia đình có 4 người nhiễm chất độc da cam. Bếp ăn ưu tiên các phần ăn và còn cùng nhau đóng góp tiền để cô gái nuôi mẹ…
Nhiều người lúc xuất viện không quên đến bếp ăn từ thiện ngỏ lời cảm ơn, khiến các thành viên cảm thấy ấm lòng, như tiếp thêm nguồn lực để phục vụ lâu dài. Có nhiều người khỏi bệnh đã tự nguyện xin phục vụ bếp ăn.
Những việc làm tuy nhỏ, nhưng thực sự là nghĩa cử cao đẹp. Trên hết là tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc, góp phần lan tỏa những thông điệp yêu thương trong cộng đồng. Nghĩa cử của những tấm lòng nhân ái giống như lời Bác Hồ từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin