Lo mùa nước mặn lên...

Cập nhật, 17:12, Thứ Năm, 02/02/2023 (GMT+7)
Hộ dân huyện Trà Ôn nhận túi chứa nước ngọt từ chính quyền để trữ nước ngọt.
Hộ dân huyện Trà Ôn nhận túi chứa nước ngọt từ chính quyền để trữ nước ngọt.
ĐBSCL đang bước vào mùa khô. Trong mùa này, ở vùng ven biển, người dân khai thác lợi thế nước mặn để nuôi trồng thủy sản, làm muối, đem lại nguồn thu đáng kể. Nhưng đối với vùng nước ngọt như tỉnh Vĩnh Long, trong những năm gần đây, mùa khô là mùa lo toan của người dân và chính quyền vì xâm nhập mặn. 
 
Lo trữ, cấp nước ngọt
 
Mùa nước mặn lên là thời kỳ dân cù lao, dân ở ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền, nhất là dân ở cù lao Dài, Thanh Long (huyện Vũng Liêm), cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành - Phú Thành, huyện Trà Ôn), cù lao Minh (các xã thuộc huyện Long Hồ) vất vả nhất: lo thu hoạch trái cây, rau màu “chạy mặn”, lo trữ nước đề phòng thiếu nước ngọt.
 
Trước đây, xâm nhập mặn trong tỉnh Vĩnh Long không sâu, độ mặn không cao và không kéo dài, người dân "mạnh ai nấy lo" và cũng chưa có thông tin thường xuyên về xâm nhập mặn. Còn nhớ vào đầu năm 2016, dân mình lo ăn Tết Nguyên đán Bính Thân - không biết nước mặn lên, nên lấy nước mặn vào kinh mương, bơm lên tưới làm cây ăn trái rụng lá, hoa, trái non, lúa trỗ không nổi hoặc bị lép hạt... bị thiệt hại lớn. 
 
Sau 2 kỳ xâm nhập lịch sử đầu năm 2016 và 2020, người dân ở các xã thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít đã ý thức rằng muốn bảo vệ cây trồng, vật nuôi, muốn có nước ngọt để sinh hoạt, tưới cây thì phải theo dõi thường xuyên thông tin về xâm nhập mặn và xây cống, đập ngăn mặn, nạo vét kinh trục dẫn, trữ nước, lo nạo vét kinh, mương, sắm máy bơm, mua bồn, thùng, túi nilon, làm hồ trữ nước...
 
Đối với chính quyền, cũng rút kinh nghiệm từ 2 kỳ xâm nhập mặn gay gắt mùa khô năm 2015 - 2016, năm 2019 - 2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn đã sớm tham mưu UBND các cấp ban hành kế hoạch, phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh ngay từ tháng 12 (nếu có dự báo mặn xâm nhập sớm) hoặc trong tháng 1.
 
Trong đó, công tác đo mặn, thông báo kết quả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để đến với mọi người dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng 8 trạm đo mặn cố định.
 
Thông tin nhanh về diễn biến và dự báo hạn, mặn được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện thực hiện thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 1.792 đầu số - là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, xã để chỉ đạo ứng phó; đồng thời phát trên sóng phát thanh, truyền hình các tin dự báo về nguồn nước, xâm nhập mặn thông tin trực tiếp đến người dân. Các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và hộ dân có vườn chuyên trồng cây ăn trái ở huyện vùng bị nhiễm mặn cũng tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động lấy nước. 
 
Công tác vận hành các cống kiểm soát mặn cũng được các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi quan tâm, thực hiện thường xuyên để đảm bảo ngăn mặn, cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh. 
 
... Lo nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh
 
Theo các chuyên gia, khi sử dụng nước nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Nước nhiễm mặn khi vào cơ thể sẽ gây ra các hiện tượng mất nước, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, viêm ruột cấp tính nếu uống. Nước lợ còn làm suy giảm chức năng đề kháng, có thể gây nên suy thận, suy gan.
 
Khi sử dụng nguồn nước nhiễm mặn trong sinh hoạt như: tắm, rửa, vệ sinh,.. sẽ có khả năng gây ra các bệnh ngoài da như: viêm da, mụn nhọt, ghẻ lở, hắc lào,… Ngoài ra còn gây ra các bệnh về mắt nếu sử dụng nước nhiễm mặn rửa mặt, mắt.
 
Theo ngành y tế ở các xã vùng bị nhiễm mặn, những năm có xâm nhập mặn lên cao, kéo dài thì số ca bệnh đường tiêu hóa tăng hơn những ngày thường. Bởi độ mặn lên cao, duy trì lâu buộc phải đóng cống dài ngày làm nguồn nước sông rạch bên trong cống bị ô nhiễm, dễ gây phát sinh bệnh, dịch bệnh trên người, không thuận lợi cho việc lấy nước lên cấp cho sinh hoạt.
 
Nguồn nước bị nhiễm mặn, bị ô nhiễm, công trình cấp nước và vệ sinh bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, sự mệt mỏi của người dân, nguồn nước bị ô nhiễm tạo thuận lợi cho sự sinh sản của vật chủ và trung gian truyền bệnh cũng khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn... dễ lây lan.
 
Trên đàn gia súc, gia cầm cũng có tỷ lệ bệnh về đường tiêu hóa cao trong mùa khô, thời gian nước bị nhiễm mặn. Nghiêm trọng hơn là khi nguồn nước bị nhiễm mặn được sử dụng trong nông nghiệp sẽ khiến đất đai bị cằn cỗi, không thể trồng trọt, gây mất mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người dân. Ngoài ra, nó còn phá hủy các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Nếu nước nhiễm mặn đem đi tưới, sẽ khiến cây trồng bị héo, rụng lá, chết.
 
Biến đổi khí hậu càng tác động mạnh hơn đến đồng bằng. Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô ở những năm gần đây không còn “bình thường” như trước. Dân cư ngày càng đông, sản xuất ngày càng phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp - thủy sản có giá trị kinh tế cao hình thành. Nên mỗi mùa nước mặn đến là mỗi kỳ lo toan của người dân, chính quyền ở vùng bị nhiễm mặn. 
 
Do đó, cũng rất cần những nghiên cứu khoa học để có phương thức sản xuất thích nghi với “vùng mặn, vùng lợ” có thể xảy ra. 
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
 
 
Các tin khác: