Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách

06:02, 22/02/2023

Hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân vốn vay của các chương trình tín dụng tạo được sự "trợ lực" kịp thời để người dân khôi phục sản xuất, duy trì việc làm, ổn định cuộc sống...

 

Hộ gia đình (bên trái) trồng bưởi da xanh ở huyện Mang Thít mở rộng diện tích trồng từ vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11.
Hộ gia đình (bên trái) trồng bưởi da xanh ở huyện Mang Thít mở rộng diện tích trồng từ vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11.

Hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân vốn vay của các chương trình tín dụng tạo được sự “trợ lực” kịp thời để người dân khôi phục sản xuất, duy trì việc làm, ổn định cuộc sống...

Anh Hồ Văn Út (ngụ xã Bình Phước, huyện Mang Thít) năm ngoái khi ấp ủ dự định mở rộng diện tích vườn trồng bưởi da xanh thì tiếp cận được Nghị quyết 11/NQ-CP. Thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc đoàn thể nông dân, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo chương trình duy trì và mở rộng việc làm.

Nhiều năm canh tác, nay được “trợ lực” vốn kịp thời, khoảng 7 công đất vườn nhà anh giờ gần như phủ kín bưởi da xanh và đây là nguồn kinh tế chính của gia đình. Trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn này, gần 30 hộ vay như anh Út, chủ yếu theo chương trình duy trì, mở rộng việc làm mà cụ thể là canh tác, nuôi trồng và hầu hết sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Cũng thụ hưởng từ Nghị quyết 11 với chương trình cho vay duy trì việc làm, mở rộng việc làm, hộ ông Huỳnh Văn Trạng (ngụ xã Quới An, huyện Vũng Liêm) vay 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mở rộng đàn gà. Kết quả nay ông có 3 trại nuôi gà tre, gà nòi lấy thịt tổng đàn hàng ngàn con, xoay vòng nuôi và xuất bán. Ông Trạng chia sẻ nếu giá cả ổn định và sự hỗ trợ từ vốn tín dụng chính sách, sẽ mở rộng đàn gia cầm để tăng nguồn thu nhập.

Trên là một số trong nhiều hộ gia đình vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP tại tỉnh. Tại Vĩnh Long, ngay sau khi có Nghị quyết 11, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh phối hợp các sở, ngành, UBND các cấp rà soát và phê duyệt đăng ký nhu cầu vốn tín dụng chính sách theo nghị quyết với tổng vốn vay trên 570 tỷ đồng giai đoạn 2022 - 2023.

Ngay sau khi được giao vốn, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo tập trung triển khai và phân bổ cho các địa phương với tổng vốn 210,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, chi nhánh đã giải ngân 210,8 tỷ đồng (đạt 100%) cho trên 4.100 khách hàng vay vốn.

Theo ông Trương Thanh Hà - Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2022 là 2.858 tỷ đồng, tăng 571 tỷ đồng so với năm 2021, với 93.372 hộ còn dư nợ; bình quân một hộ có dư nợ 31 triệu đồng; hoàn thành 99,1% chỉ tiêu kế hoạch dư nợ được Trung ương và địa phương giao.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long ký Quyết định số 295/QĐ-UBND ban hành Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện đề án khoảng 320 tỷ đồng, cụ thể: vốn ngân sách của tỉnh 80 tỷ đồng, ủy thác trong 2 năm, bình quân mỗi năm ủy thác sang NHCSXH tỉnh 40 tỷ đồng; vốn Trung ương 240 tỷ đồng, bố trí trong 2 năm, bình quân mỗi năm Trung ương bố trí 120 tỷ đồng đối ứng với địa phương.

Theo NHCSXH Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết 11, chỉ tiêu kế hoạch cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2022 - 2023 là 38.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tối đa là 19.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị toàn quốc về kết quả giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho biết đến cuối năm 2022, NHCSXH đã giải ngân đạt 16.024/19.000 tỷ đồng (84,3% kế hoạch).

Trong đó, chiếm đa số là chương trình cho vay hỗ trợ việc làm 10.000 tỷ đồng với hơn 211.000 khách hàng vay vốn; kế tiếp là các chương trình cho vay nhà ở xã hội; học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến;...

Thụ hưởng chương trình vay vốn tín dụng tương tự, nhiều hộ gia đình đã duy trì và mở rộng việc làm ổn định, hiệu quả.
Thụ hưởng chương trình vay vốn tín dụng tương tự, nhiều hộ gia đình đã duy trì và mở rộng việc làm ổn định, hiệu quả.

Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 và theo rà soát từ các địa phương, NHCSXH dự kiến kinh phí 22.770 tỷ đồng để cho vay. NHCSXH sẽ xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với tổng khối lượng phát hành là 24.351 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng theo nghị quyết.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh