4 xã cù lao Long Hồ: Chủ động ứng phó hạn mặn

06:02, 22/02/2023

Trước tình hình hạn mặn được dự báo diễn biến phức tạp, nhà vườn tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã chủ động các giải pháp ứng phó, nhằm bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái.

 

 

Nhà vườn chủ động nhiều giải pháp để bảo vệ vườn cây ăn trái.
Nhà vườn chủ động nhiều giải pháp để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Trước tình hình hạn mặn được dự báo diễn biến phức tạp, nhà vườn tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã chủ động các giải pháp ứng phó, nhằm bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái.

Chủ động trữ ngọt

Theo ngành chức năng, 4 xã cù lao huyện Long Hồ có vùng nguyên liệu cây ăn trái đặc sản lên tới hàng ngàn hecta, nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên nên các địa phương này dễ bị ảnh hưởng khi có hạn mặn xâm nhập.

Theo đó, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn trước, vào thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm tại xã Bình Hòa Phước cho hay, ngay khi có cảnh báo của ngành chức năng, nhà vườn luôn thận trọng đề phòng nước mặn xâm nhập bằng nhiều giải pháp. Cụ thể, ngoài thường xuyên cập nhật thông tin hạn mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua App theo dõi độ mặn; nạo vét mương vườn, người dân còn tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động hơn trong sản xuất.

Có 30 công vườn chôm chôm, chú Lê Thanh Quang (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết: “Ngay khi độ mặn đã lên nhen nhóm ở Vũng Liêm, nhà vườn tụi tôi cũng phải chủ động phòng ngừa như: có máy đo độ mặn và thường xuyên đo độ mặn; đóng tất cả các cống lại, không cho nước mặn xâm nhập vào và không tưới nước cho cây khi có thông tin độ mặn lên”.

Cô Lê Thị Hồng (xã Bình Hòa Phước) cũng chia sẻ: “Thời điểm này tôi cùng các hộ dân xung quanh cũng tích cực lo tích trữ và tìm kiếm nước ngọt chăm vườn trái cây. Đây là vùng trồng nhiều chôm chôm, sầu riêng nên rất sợ nước mặn xâm nhập, vì vậy thời gian qua người dân ở đây theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để có phương án ứng phó với hạn, mặn”.

Anh Trần Văn Sáu (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) thì cho hay: “Vào thời điểm này, hôm nào thấy gió chướng mạnh quá thì lấy máy đo, nếu không mặn thì mới tưới cho cây, còn mặn lên thì đóng cống, không tưới”.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Long Hồ, toàn huyện hiện có trên 7.400ha vườn cây ăn trái các loại, tập trung nhiều tại 4 xã cù lao. Trong đó, có nhiều loại trái cây đặc sản với diện tích lớn như: chôm chôm, sầu riêng… Đây là những loại cây ăn trái có khả năng chịu mặn kém, dễ bị ảnh hưởng với nước mặn.

Đợt hạn mặn năm 2020, toàn huyện có trên 1.200ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng, gây thiệt hại năng suất từ 30% đến hơn 70%. Vì vậy, năm nay trước dự báo hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp nên nhà vườn 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã có sự chủ động như: nạo vét các kênh, mương trong vườn để trữ nước; nhiều hộ còn tự trang bị máy đo độ mặn; thường xuyên cập nhật thông tin hạn mặn bằng nhiều hình thức.

Không chủ quan

Tại các xã, cán bộ nông nghiệp địa phương cũng tích cực hướng dẫn các nhà vườn cài đặt App theo dõi độ mặn để chủ động trong sản xuất. Sự chủ động của các địa phương và người dân cũng góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mặn gây ra.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Công chức Địa chính, Nông nghiệp (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho hay: Năm nay để ứng phó với hạn mặn, người dân trong xã cũng đã ra sức nạo vét các kênh công cộng, kênh mương vườn để khi có hạn mặn thì chủ động trữ lại lượng nước để sử dụng trong thời gian bị hạn mặn. Song song đó, ở xã được đặt 2 trạm quan trắc của Bình Hòa 2 và Phước Định 2. Khi trạm quan trắc có App lên điện thoại thì người dân sẽ theo dõi trên đó hàng ngày để phát hiện độ mặn, kịp thời ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Những vùng sản xuất, đặc biệt là những loại trái cây chịu ảnh hưởng và mẫn cảm với hạn mặn như: sầu riêng, chôm chôm ở các xã cù lao. Trong đó có cù lao Dài của 2 xã Thanh Bình - Quới Thiện (huyện Vũng Liêm); cù lao An Bình (huyện Long Hồ); cù lao Lục Sỹ Thành - Phú Thành (huyện Trà Ôn) hoặc là một số vùng ven sông của các huyện Mang Thít, Tam Bình.

Đặc biệt là vùng giáp ranh với Trà Vinh thì bà con nông dân cần chú ý, chủ động phòng chống hạn mặn. Theo đó, người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình độ mặn xâm nhập vào đồng ruộng, cũng như các cửa sông mà Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cung cấp. Đồng thời, phải có trang bị thêm dụng cụ đo độ mặn để trước khi lấy nước hoặc trước khi tưới cây cần kiểm tra lại độ mặn ở mương vườn.

Nếu độ mặn vượt quá 1‰ thì không nên lấy nước vào vườn cây ăn trái; còn đối với cây lúa nếu cao hơn 2‰ thì cũng không nên lấy nước. Đối với những cây ăn trái bị mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm thì độ mặn trên 0,5‰ cũng không nên tưới, bởi vì tưới sẽ gây thiệt hại cho cây trồng.

Nhà vườn tự trang bị máy đo độ mặn, kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây.
Nhà vườn tự trang bị máy đo độ mặn, kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã đôn đốc cho các ban quản lý dự án kiểm tra, cũng như đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn của tỉnh nhanh chóng triển khai thi công và hoàn thành sớm các công trình đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Trong thời điểm hạn mặn như hiện nay, ngành nông nghiệp lưu ý các nhà vườn không nên chủ quan khi hạn mặn chưa xâm nhập đến. Đặc biệt, thời điểm này cần hạn chế xử lý cho cây ra hoa, đậu trái. Bởi trong trường hợp cây đang ra hoa, đậu trái sẽ cần lượng nước lớn, nếu mặn xâm nhập không đủ nước tưới hoặc không có nước tưới sẽ ảnh hưởng năng suất và có thể gây chết cây.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh