"Vị cứu tinh" của những cặp vợ chồng hiếm muộn

09:01, 09/01/2023

Đã hơn 18 năm kể từ đơn đặt hàng đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Phú Lâm - Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, không thể nhớ hết đã đỡ đầu bao nhiêu đức trẻ ra đời, đem lại niềm vui vô bờ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

Niềm vui có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm chữa trị.
Niềm vui có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm chữa trị.

Đã hơn 18 năm kể từ đơn đặt hàng đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Phú Lâm - Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, không thể nhớ hết đã đỡ đầu bao nhiêu đức trẻ ra đời, đem lại niềm vui vô bờ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Những bệnh nhân đến từ mọi vùng miền của đất nước, họ có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một nỗi buồn hiếm muộn. Nhiều gia đình ròng rã hàng chục năm trời chạy chữa nhiều phương pháp, tốn kém nhiều tiền bạc, nhưng đều không có kết quả.           

Đến với nghề như một “định mệnh”

Nhớ lại con đường đưa đến với nghề thuốc, anh thấy có cái gì đó như “định đặt” của số mệnh. Hồi nhỏ, bác sĩ Lâm được về An Giang thăm người bạn của cha là một lương y có tiếng trong vùng. Hình ảnh “ông thầy bốc thuốc cứu người”, gieo vào lòng anh niềm ngưỡng mộ nhất định.

Lớn lên chọn học ngành Đông y và có quá trình theo tập sự tại các nhà thuốc ở TP Hồ Chí Minh, bản thân tự mày mò học hỏi thêm từ kho tàng y học cổ truyền; đặc biệt, nền tảng “lục vị, bát vị” trong Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Đây cũng là cơ sở để sau này, khi có cơ hội bác sĩ Lâm đã phát huy điều trị rất hiệu quả một số bệnh của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Năm 2004, lương y trẻ Nguyễn Phú Lâm trở về quê hương Vĩnh Long, công tác tại Phòng Chẩn trị Hội Đông y huyện Mang Thít. Tại đây, với sự tận tâm với nghề, thương cảm bà con nghèo, ông thường xuyên tổ chức những buổi khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo tại địa phương.

Nỗ lực không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ và y đức, đến năm 2006, Nguyễn Phú Lâm được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y của huyện. Sau đó, ông theo học khóa đào tạo bác sĩ của ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, những kiến thức mới ở bậc ĐH giúp ông phát huy tốt những y lý, phương dược độc đáo của nền y học dân tộc cổ truyền; đặc biệt là nghiên cứu lý luận, thực hành trên lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh.

Gần 20 năm qua, sự “mát tay” của ông đã giúp cho hàng ngàn gia đình “chào đón tiếng khóc trẻ thơ”. Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm nhắc về “đơn đặt hàng” của bà Hai Thành đã đưa mình đi vào nghiên cứu chuyên sâu về điều trị hiếm muộn.

Bà Hai Thành (60 tuổi, ngụ Khóm 2, TT Cái Nhum) là hàng xóm thường sang nhà anh chơi. Con gái bà Hai có chồng về Cà Mau đã 10 năm mà chưa có con. Nguyên nhân do tinh trùng của người chồng yếu, thụ tinh nhân tạo 6 lần vẫn không có kết quả. Nặng lòng với nỗi đau của vợ chồng người con gái, bà Hai Thành đánh liều gợi ý lương y Lâm tìm cách chữa trị căn bệnh vô sinh. Đó là năm 2004.

Dịp Tết Nguyên đán năm sau, vợ chồng chị Phượng (con gái bà Hai Thành) mang theo hồ sơ xét nghiệm Tây y liên quan đến khả năng sinh sản, lên gặp lương y Nguyễn Phú Lâm.

Sau đó, lương y bắt mạch và căn cứ vào các kết quả xét nghiệm Tây y, bốc cho chồng chị Phượng một thang thuốc có tên: “Nhất dạ ngũ giao gia giảm”. Tháng 7/2006, vợ chồng chị Phượng sung sướng đón con trai kháu khỉnh chào đời. Ngày bế con lên thăm “ân nhân”, cả bệnh nhân và thầy thuốc đã sung sướng ôm nhau khóc.

Từ đó đến nay, lương y - bác sĩ Nguyễn Phú Lâm trở nên nổi tiếng, được coi như “cứu tinh” của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.

Để chữa trị đạt hiệu quả cao, bác sĩ Lâm thường yêu cầu vợ chồng bệnh nhân mang hồ sơ, kết quả các xét nghiệm Tây y trước đó để biết chắc chắn nguyên nhân. “Với đàn ông thì phải có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồng (tinh trùng); phụ nữ thì phải có kết quả siêu âm màu cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng (HSG)”.

Những niềm hạnh phúc vô bờ của bệnh nhân

Mỗi năm lại có thêm hàng chục cặp vợ chồng hiếm muộn báo về bác sĩ Nguyễn Phú Lâm tin vui, có nhiều gia đình đưa con đến thăm và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn.

Không thể nào tả hết niềm hạnh phúc sau hàng chục năm trời ròng rã chạy chữa khắp nơi, số tiền không hề nhỏ khi thậm chí có người bán cả mấy mẫu đất để đeo đuổi giấc mơ chào đón tiếng khóc trẻ thơ. Thường những trường hợp đến với bác sĩ Nguyễn Phú Lâm là đã điều trị thời gian dài với nhiều phương pháp khác nhau mà không có kết quả.

Câu chuyện cảm động mới đây của cặp vợ chồng là anh Cường và chị Hương, ở ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cùng đưa 2 đứa con đến thăm thầy thuốc mà như thể chưa tin được niềm hạnh phúc vô bờ sau đằng đẵng 15 năm trời chung sống thì đã phải mất 12 năm chạy chữa hiếm muộn. Thậm chí thụ tinh ống nghiệm, chuyển phôi 10 lần nhưng đều không thành công.

Đó là khoảng thời gian nếm trải bao nhiêu nỗi buồn, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng duyên may, khi có người giới thiệu đến với bác sĩ Nguyễn Phú Lâm mà cũng chẳng dám hy vọng gì nhiều. Không ngờ chỉ chưa đầy năm, chi phí tầm chục triệu đồng, vợ anh cấn bầu và rồi niềm vui nối tiếp niềm vui. Ngày hai vợ chồng đưa 2 con nay đã 8 tuổi và 5 tuổi đến thăm thầy thuốc xem như người cha đỡ đầu của các con mình, vợ chồng họ bày tỏ lòng biết ơn và không giấu niềm vui, niềm xúc động, hạnh phúc vô bờ.

Niềm vui có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm chữa trị.
Niềm vui có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm chữa trị.

Cặp vợ chồng khác đến từ Cần Đước (Long An), người chồng là anh Vương bị tinh trùng yếu; vợ là chị Trang bị đa nang buồng trứng, chạy chữa hiếm muộn 9 năm trời. Vừa rồi họ đưa 2 con là bé Ngọc Hân SN 2015 và bé Xuân Vũ SN 2017 về huyện Mang Thít (Vĩnh Long) thăm lại ân nhân của mình cũng là bày tỏ lòng tri ân đặc biệt đối với bác sĩ Nguyễn Phú Lâm - người đã mang lại hạnh phúc đầy ắp tiếng cười trẻ thơ trong gia đình của họ.

Đó là kết quả tuyệt vời sau khi được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm điều trị chứng nam tinh trùng yếu, còn nữ đa nang buồng trứng, với chi phí rất thấp so với những phương pháp mà họ đeo đuổi nhiều năm trời trước đó.

Có những trường hợp đặc biệt, như nguy cơ tuyệt tự khi trong dòng họ có đến 5 người bị chứng vô sinh; trong đó cả hai anh em ruột đều không thể có con dù chạy chữa suốt gần 10 năm trời.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái (39 tuổi, ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít), cưới nhau 12 năm vẫn không sinh nổi một mụn con. Nhiều năm họ chạy chữa khắp nơi, kể cả ở những bệnh viện phụ sản nổi tiếng, nhưng vẫn vô vọng. Anh Thái kể: “Khi đó, vợ chồng tôi mang hồ sơ bệnh tình qua cho bác Lâm xem, bắt mạch rồi mua thang thuốc về ngâm gần cả năm nhưng không uống vì không tin lắm.

Bệnh viện nổi tiếng còn bó tay thì kiểu điều trị uống thuốc Bắc như bác Lâm thì làm sao có kết quả. Thế là thời gian dần trôi, khi đó người thân cũng rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn đến bác Lâm cho uống thuốc thì đạt kết quả. Lúc ấy tôi mới bắt đầu uống, khi uống được 2/3 bình rượu thì có tin vui, sinh được đứa con trai kháu khỉnh”.

Kỳ diệu hơn, một nửa bình thuốc còn lại, anh Thái mang cho người em trai đã cưới vợ 4 năm mà không có con, người này uống hết thuốc thì vợ có mang, sinh được một con gái. “Đến nay, trong họ tôi có 5 người bị vô sinh, hiếm muộn được bác sĩ Lâm chữa khỏi. Có người đã có được 2 mặt con như vợ chồng anh Nguyễn Hồng Kỳ (vợ là Nguyễn Hồng Thụy, ở ấp Phước Thới C, xã Bình Phước, huyện Mang Thít)”.

Một số ít điển hình trong số hàng ngàn cặp vợ chồng đã được bác sĩ Nguyễn Phú Lâm điều trị hiệu quả và họ đã nói về một thầy thuốc dốc lòng nghiên cứu một số phương thuốc cổ truyền trong kho tàng mênh mông vô cùng phong phú của nền y học nước nhà.

Điều này cho thấy rằng, nếu biết ứng dụng kiến thức của khoa học hiện đại, hậu thế sẽ còn tiếp tục phát huy, phát triển nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nền y học dân tộc góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân với chi phí tiết kiệm nhất có thể.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh