
Là một trong những tỉnh có mức sinh thấp với số con bình quân của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt 1,8 con, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động người dân sinh đủ 2 con và phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2030.
![]() |
Việc đạt mức sinh thay thế có vai trò quan trọng trong việc ổn định quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số. |
(VLO) Là một trong những tỉnh có mức sinh thấp với số con bình quân của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt 1,8 con, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động người dân sinh đủ 2 con và phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2030.
“Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”
Thông điệp trên cùng những lợi ích khi có 2 con, được cộng tác viên và cán bộ chuyên trách dân số tích cực tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của nhiều gia đình.
Chị Lâm Kim Hồng (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) cho biết: “Bé lớn 28 tháng là bé nhỏ ra đời. Chăm cực lúc đầu nhưng thời gian qua nhanh, mình cũng quên mỏi mệt”.
Rồi chị Hồng chia sẻ: “Sanh thêm cho con có chị có em. Mình già, có 2 con cùng phụ hợ, để có mình ên, con buồn lắm. Quần áo bé lớn mặc chật bé nhỏ mặc tiếp, cũng đỡ tốn tiền. Quan trọng nhất là chị em chơi với nhau rất thân thương, nhường nhịn”.
Bà Lê Thị Ái Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn cho biết: “Tập trung tuyên truyền vận động mỗi gia đình sanh đủ 2 con.
Chủ yếu nói về lợi ích của việc sanh đủ 2 con, các nguy cơ nếu phụ nữ sanh con muộn, ảnh hưởng của việc sanh ít con đến phát triển kinh tế - xã hội”.
Nhờ tuyên truyền vận động có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt là những gia đình có 1 con và đang trong độ tuổi sanh đẻ, nên những năm qua, mức sinh ở Vĩnh Long có chiều hướng tăng lên rõ rệt, từ 1,63 con/phụ nữ năm 2010 đã tăng lên 1,81 con/phụ nữ năm 2019 và ước đạt 1,84 con/phụ nữ năm 2022.
Chị Hồ Thị Thanh Trúc (TT Long Hồ) chia sẻ: “Nhà em cũng có 1 đứa trai, nên định sanh thêm đứa nữa để anh em chơi, thủ thỉ cùng nhau vui nhà vui cửa”.
Phấn đấu đạt mức sinh thay thế
![]() |
Vĩnh Long tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2030. |
Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Vĩnh Long tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng - đối tượng có mức sinh cao; nỗ lực đạt mức sinh thay thế,...
Công tác truyền thông, vận động luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú như cấp phát tờ rơi, tư vấn nhóm, tọa đàm, vãng gia, nói chuyện chuyên đề,…
Ông Lý Thái Sơn - Trưởng Phòng Dân số Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ huyện Vũng Liêm, cho biết: Việc chuyển trọng tâm từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số phát triển giờ không tập trung vào kế hoạch hóa gia đình nữa mà tập trung vào quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số.
Cộng tác viên tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhất là các cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sanh đẻ, vận động khuyến khích những cặp vợ chồng đã sinh 1 con nên sinh đủ 2 con bởi đây là việc làm hết sức quan trọng cho tương lai.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân.
Qua đó, để đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, Vĩnh Long phấn đấu tăng 4% tổng tỷ suất sinh bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến năm 2025 là 1,88 con/phụ nữ và đến năm 2030 là 1,99 con/phụ nữ.
Để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, thực hiện mục tiêu về chính sách dân số của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, không chỉ riêng ngành dân số mà các gia đình, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải cùng vào cuộc.
Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, có chính sách hỗ trợ kèm theo để người dân thấy được chủ trương này là ích nước, lợi nhà.
Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các địa bàn dân cư để trong tương lai, Vĩnh Long sẽ có được một quy mô dân số phù hợp, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi.
Việc duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu “dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn “già hóa dân số”.
Qua đó, cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững gia đình và địa phương.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin