Dù những thân hình không được lành lặn đủ đầy nhưng họ không thiếu bản lĩnh và nghị lực. Với những người khuyết tật mà chúng tôi đã gặp, đôi chân không chùn bước, ánh sáng không bao giờ khép lại khi bản thân họ biết vượt lên chính mình.
Từ những chuyến đi, anh Phan Vũ Minh truyền năng lượng tích cực đến mọi người. |
(VLO) Dù những thân hình không được lành lặn đủ đầy nhưng họ không thiếu bản lĩnh và nghị lực. Với những người khuyết tật mà chúng tôi đã gặp, đôi chân không chùn bước, ánh sáng không bao giờ khép lại khi bản thân họ biết vượt lên chính mình.
Tự tin hòa nhập với cuộc đời
Theo bà Nguyễn Ngọc Truyền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 26.903 người khuyết tật (gồm có 5.017 người khuyết tật đặc biệt nặng, 12.226 người khuyết tật nặng và 9.660 người khuyết tật nhẹ).
Trong năm 2022, hội đã hỗ trợ đối tượng có thu nhập vượt chuẩn nghèo được 559 trường hợp và 17 hộ được công nhận thoát nghèo.
Từ khi thực hiện chương trình đến nay (2016 - 2022) nâng tổng số đối tượng người khuyết tật có thu nhập đạt và vượt chuẩn quy định được 6.272 người khuyết tật và 241 hộ gia đình người khuyết tật được công nhận thoát nghèo.
Việc tạo điều kiện thích hợp để người khuyết tật tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng.
Sau hơn 8 năm triển khai Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật” tại Vĩnh Long, mặc dù là một dự án nhỏ nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người thụ hưởng.
“Để giúp người khuyết tật vươn lên thoát nghèo, mục tiêu thoát nghèo bền vững, hội chung tay thay vì cho “con cá” thì sẽ cho “cần câu”.
“Cần câu” là hỗ trợ vốn, hỗ trợ nuôi bò tạo điều kiện cho người khuyết tật thực hiện những công việc sinh kế, từ đó góp phần cho cuộc sống gia đình tốt hơn”- bà Nguyễn Ngọc Truyền chia sẻ.
Anh Nguyễn Tấn Nam cùng vợ cố gắng vươn lên từ công việc massage. |
Di chứng của cơn sốt phát ban năm 3 tuổi đã khiến anh Nguyễn Tấn Nam (Phường 2, TP Vĩnh Long) không còn nhìn thấy được nữa. Không buông xuôi trước số phận, anh Nam cố gắng vươn lên từ công việc massage, bấm huyệt hơn 10 năm nay.
Với nghị lực sống mạnh mẽ, lạc quan nên anh Nam đã được Hội Người mù tin tưởng phân công công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục. Anh Nam tiếp tục mang tiếng nói của mình vận động những người cùng cảnh ngộ hòa nhập với cuộc sống và dạy cho họ những kỹ năng làm nghề massage.
Hạnh phúc tìm đến khi anh gặp được người bạn đời là chị Võ Thị Kim Oanh. Với tình yêu và sự cảm mến dành cho người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực, chị Oanh trở thành đôi mắt sáng gắn bó cùng anh bước qua mọi thăng trầm trong cuộc sống.
Lấy nhau với hai bàn tay trắng, đôi vợ chồng cố gắng mở ra cơ sở massage nhỏ, với mong ước tạo ra thu nhập ổn định để lo cho con ăn học và cũng có thể giúp cho bạn bè khiếm thị có nơi làm việc ổn định hơn.
Anh Nam tâm sự: “Người khiếm thị được học nghề và tìm được công việc ổn định, chứng tỏ người khiếm thị không phải là gánh nặng của xã hội. Tôi sẽ lan tỏa sự lạc quan này đến những người có cùng hoàn cảnh với mình”.
Truyền năng lượng tích cực
Anh Phan Vũ Minh SN 1991 tại ấp Trung Tín, TT Vũng Liêm. Năm 12 tuổi, sau nhiều ngày đau lưng, đi lại khá khó khăn, Minh đi khám và được chẩn đoán mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Mọi hy vọng của Minh chính thức bị dập tắt vào năm 20 tuổi khi anh không thể đi lại được nữa.
Sau mấy năm liền sống khép mình, cùng với lời động viên của gia đình và bạn bè, chàng trai gác lại những ngày tháng buồn bã, tập để sử dụng xe lăn thuần thục, tập vật lý trị liệu để có thể tự lo sinh hoạt cá nhân. Minh rèn luyện sức khỏe cho bản thân, thời gian rảnh dành để chăm sóc khu vườn nhỏ quanh nhà, trồng thêm kiểng lá để kinh doanh.
Những người yêu du lịch gọi Phan Vũ Minh là “phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam”. |
Nguồn thu ổn định từ cây trầu bà Nam Mỹ đột biến giúp Minh thu về hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Kinh phí này giúp anh tự lo cho bản thân và bắt đầu hành trình đi phượt. Minh nhờ một người anh học cơ khí chế tạo chiếc xe 3 bánh từ xe lăn.
Chuyến đi phượt đầu tiên của anh diễn ra vào năm 2017 đến Bạc Liêu để thăm một người bạn. Vượt qua tất cả nỗi sợ hãi, những khó khăn, đến nay anh đã đến hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước và được mệnh danh là “phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam”.
Những hình ảnh, những câu chuyện anh Minh chia sẻ trên mạng xã hội, anh mong muốn truyền tải niềm tin đến mọi người, nhất là những bạn có hoàn cảnh giống mình rằng: “Trước khi tôi có được ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua rất nhiều nỗi buồn và khó khăn.
Khi mình tin vào bản thân, muốn sống cuộc sống cho riêng mình thì cứ mạnh dạn làm bất kỳ điều gì dù cho thất bại đi nữa. Đó sẽ là một bài học, chứ sợ hãi mà không dám làm thì bạn sẽ hối hận vì những điều mình đã không làm hơn là những gì mình đã làm”.
Những người khuyết tật không chỉ vươn lên trong cuộc sống thường ngày mà còn khát khao hòa nhập cùng cộng đồng trong lời ca tiếng hát, bằng sự nối kết của nghệ thuật.
Em Võ Thị Kim Xuyến (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) là gương mặt quen thuộc trong nhiều buổi biểu diễn của người khuyết tật. “Ông trời lấy đi của em ánh sáng nhưng bù lại cho em trí nhớ tốt lắm. Em nghe bài hát 5 phút là thuộc luôn”- Xuyến tự hào cho biết.
Em ngồi chăm chú nghe các cô chú hát trên sân khấu, im lặng hồi lâu rồi Xuyến xúc động: “Hồi nhỏ xíu em đã bị bệnh rồi không nhìn thấy nữa, mẹ cho em nghe đĩa “Lan và Điệp”, từ đó ngày nào em cũng chờ nghe nhạc làm niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Giờ em hát để thấy mình được sống.
Và em hy vọng tiếng hát của mình sẽ truyền năng lượng tích cực để mọi người cùng hoàn cảnh có niềm tin vào cuộc đời và vui sống”.
Với những vất vả, khó khăn đã nếm trải càng toi luyện để người khuyết tật có nghị lực và bản lĩnh. Họ cũng khát khao hòa nhập cùng cộng đồng và truyền năng lượng tích cực đến tất cả mọi người: “Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin