Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 5 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng; trong đó, có Nghị quyết Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN) - nơi có nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Gửi con nhà trẻ, công nhân yên tâm đi làm. |
Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 5 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng; trong đó, có Nghị quyết Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN) - nơi có nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Đây là chính sách thiết thực thúc đẩy phát triển các nhóm lớp mầm non độc lập, hỗ trợ cho việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, giúp người lao động tại các KCN có điều kiện gửi con em, an tâm lao động, sản xuất.
Đối tượng, chính sách hỗ trợ
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có KCN thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Như vậy, sẽ có 3 nhóm trẻ được hưởng chính sách là: Nhóm trẻ Bé ngoan Phú Hưng, Nhóm trẻ Măng Non và Nhóm trẻ Đô Rê Mon cùng thuộc xã Hòa Phú, huyện Long Hồ.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN là một trong những nội dung thể chế hóa Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị quyết được ban hành trước tiên thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của hệ thống chính trị, cụ thể là HĐND tỉnh đối với việc đảm bảo chính sách giáo dục trên địa bàn tỉnh nói chung và giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Vĩnh Long cho biết: “Đây là nguồn động viên rất lớn để giúp các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trang bị thêm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho phụ huynh, đặc biệt phụ huynh ở các KCN yên tâm lao động, sản xuất”.
Có thể nói, ý nghĩa quan trọng nhất là giúp cho công nhân có nơi gửi con mình an toàn. Công nhân an tâm sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm và khi gửi trẻ gần nơi làm việc, công nhân sẽ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, có thêm thời gian tái tạo sức lao động.
Nâng chất lượng giáo dục, lao động
Vĩnh Long hiện có 2 KCN đang hoạt động là KCN Bình Minh, KCN Hòa Phú. Nhu cầu gửi trẻ của công nhân khá cao. Các trường mầm non và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn đáp ứng cơ bản nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo của công nhân, người lao động. Tuy nhiên, so với thực tế thì loại hình giáo dục mầm non tư thục tại các KCN vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của người lao động.
Từng là giáo viên mầm non công lập, khi về hưu cô Cao Thị Thu Xuân mở Nhóm trẻ bé ngoan Phú Hưng (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ). Cô Thu Xuân cho biết: “Tôi thấy nhu cầu của công nhân gửi con để yên tâm đi làm là rất lớn. Trong quá trình chúng tôi hoạt động có những khó khăn như cơ sở vật chất còn thiếu đồ dùng, đồ chơi,… Tôi dự định khi được tỉnh hỗ trợ thì sẽ mua trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các cháu”.
Đồ dùng, đồ chơi được trang bị sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. |
Yêu mến trẻ, cô Nguyễn Kim Phượng - Trưởng Nhóm trẻ tư thục Măng Non - KCN Hòa Phú, quyết định mở nhóm trẻ tư thục. Cô Phượng chia sẻ: “Thứ nhất là niềm đam mê nghề nghiệp của mình, thứ hai là giúp công nhân gửi trẻ yên tâm đi làm. Chúng tôi giữ trẻ theo yêu cầu, phụ huynh rước trễ chúng tôi đợi, phụ huynh có tăng ca thì cô giáo cũng ở lại giữ trẻ tăng ca”.
Dù vậy, cô Phượng cũng luôn trăn trở vì cơ sở vật chất nhiều khó khăn do kinh phí không đủ để trang bị thiết bị cho trẻ, đồ chơi, đồ dùng cho giáo viên. “Khi nghe sẽ có hỗ trợ cho nhóm trẻ tư thục một khoản kinh phí, tôi rất vui mừng. Nếu được hỗ trợ, tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ rất cố gắng để chăm sóc cho trẻ tốt hơn, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện, phụ huynh an tâm làm việc” - cô Phượng cho biết.
Các KCN Vĩnh Long có 30.000 công nhân, riêng KCN Hòa Phú có số lượng công nhân đông với khoảng 75% là công nhân nữ. Có doanh nghiệp hàng chục ngàn công nhân. Trong đó, công nhân nữ có con nhỏ chiếm đến 50% có nhu cầu gửi trẻ. Sự ra đời của các cơ sở giáo dục mầm non đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho công nhân. Hòa Phú có 3 cơ sở, và mỗi nơi có từ 42 - 100% trẻ là con công nhân. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin