Những năm qua, đường bộ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa ngày càng nhiều là điều đáng mừng vì tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thi công đường bộ nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. |
(VLO) Những năm qua, đường bộ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa ngày càng nhiều là điều đáng mừng vì tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công một số dự án này là vấn đề cần quan tâm. Rất cần tăng cường thêm các biện pháp để giảm thiểu sự ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường ở các dự án đường bộ nghiêm trọng nhất là ô nhiễm không khí do bụi đường. Bụi đường gồm bụi đất, cát, đá dăm và bụi từ khói của các máy thi công.
Bụi đường gây ra trong quá trình thi công thường “tấn công” nhà cửa và “phủ kín mặt mày” người đi đường. Ngoài ra, đất, bùn được đào bới nếu không đổ đúng chỗ, không được xử lý tốt cũng gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, ở hầu hết các dự án, công nghệ xây dựng nền đường, móng và mái dốc cầu đều sử dụng cát sông. Công nghệ này vừa bền vừa rẻ hơn công nghệ làm nền đường, móng cầu và mái dốc cầu bằng đá và đất sét như trước đây.
Người ta nạo bỏ lớp đất mặt bở rời, chịu lực thấp, rồi trải vải địa kỹ thuật lên và đổ cát sông vào đầm chặt tạo nền đường. Kế đến là lớp đá dăm được đầm chặt, cán phẳng và láng lớp nhựa đường nóng lên bên trên, cán phẳng là thành đường hoặc mái dốc cầu. Nếu đường không láng nhựa là đường đá bụi.
Cát sông, đá dăm nếu được làm ẩm, tưới nước thường xuyên thì giảm thiểu bụi đáng kể. Ngược lại, nếu không được làm ẩm, gặp trời khô thì hai vật liệu này bị xe cộ qua lại hoặc bị gió cuốn lên thành bụi bay tứ tung, gây ô nhiễm môi trường, người đi đường và những hộ sống hai bên đường đều “lãnh đủ”.
Được biết, theo quy định hiện nay: Tất cả các dự án xây dựng đường bộ đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (còn gọi là ĐTM), trong đó có đề xuất các biện pháp cụ thể về bảo vệ và giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh vùng dự án và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà rất nhiều dự án khi triển khai thi công đều ít chú trọng bảo vệ và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thực tế cho thấy, các dự án được cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ, thường xuyên về tuân thủ bảo vệ môi trường theo ĐTM được duyệt và các dự án mà đơn vị thi công có đủ năng lực về tài chính (vốn), về kỹ thuật (nhân lực, phương tiện, trang thiết bị), thực hiện đúng ĐTM hoặc tiến độ xây dựng, không kéo dài thì ô nhiễm môi trường xung quanh dự án đó được giảm thiểu đáng kể. Còn ngược lại thì ô nhiễm càng nặng.
Để giảm thiểu tác động đến môi trường ở các dự án đường bộ, trước tiên, các đơn vị thi công phải cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong báo cáo ĐTM của dự án đề ra, đừng vì lợi nhuận, lợi ích của doanh nghiệp mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng.
Song song đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thi công và có biện pháp chế tài đối với các dự án không thực hiện đúng với ĐTM, gây tác động xấu đến môi trường.
Đối với giảm thiểu ô nhiễm do bụi đường, biện pháp kỹ thuật khả thi hiện nay cần được triển khai thực hiện là thường xuyên tưới nước để giữ ẩm lớp cát, đất, lớp đá dăm làm nền đường và cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ “sạch hơn” trong thiết kế, thi công công trình đường bộ, tức là sử dụng nhựa đường nóng để láng mặt đường.
Không dùng công nghệ cũ “đường đá bụi” đối với dự án xây mới hoặc sửa chữa đường bộ đi qua khu đông dân cư, khu đô thị, khu du lịch…
Ngoài ra, cần có biện pháp che chắn bụi trong quá trình vận chuyển, tập kết vật liệu đến chân công trình, không để rơi rớt trên đường.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin