Vũng Liêm

Hiệu quả kinh tế từ phát triển chăn nuôi bò

Cập nhật, 13:36, Thứ Ba, 01/11/2022 (GMT+7)
Tận dụng rơm rạ, cỏ, lao động nhàn rỗi, chăn nuôi bò giúp cải thiện kinh tế gia đình.
Tận dụng rơm rạ, cỏ, lao động nhàn rỗi, chăn nuôi bò giúp cải thiện kinh tế gia đình.

(VLO) Tại Vũng Liêm, từ năm 2000, khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để phát triển chăn nuôi, đến nay việc phát triển đàn bò trên địa bàn huyện ngày càng mạnh và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống cho các hộ gia đình làm nghề chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Tận dụng rơm, cỏ nuôi bò

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, việc chăn nuôi bò đã được người dân thực hiện khá sớm (xuất hiện trước năm 2000). Tổng đàn bò của huyện Vũng Liêm năm 2002 khoảng 7.600 con.

Từ khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thì việc chăn nuôi bò trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh bắt đầu từ năm 2001. Đến nay, tổng đàn bò đã trên 30.600 con, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân.

Có 6 con bò, anh Huỳnh Hồng Phúc (ấp Bà Đông, xã Trung Chánh), cho hay: “Bò dễ nuôi và có ưu thế là có thể tận dụng lao động, sản phẩm trồng trọt, cây cỏ ở các vườn cây ăn trái và các khoảng đất trống để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Nhờ mô hình này mà kinh tế gia đình cũng phát triển hơn”.

Nuôi bò hơn 10 năm, chú Nguyễn Văn Thượng (ấp Trung Trị, xã Trung Hiệp) cho biết: “Nhiều năm trước có ít hộ nuôi bò, nhờ địa phương khuyến khích nên tôi mạnh dạn chăn nuôi.

Tôi có 8 công ruộng nên cũng tận dụng lấy rơm sau vụ lúa, trồng cỏ thêm trong vườn để nuôi bò. Lấy công làm lời, đến nay tôi có 7 con bò, mỗi năm xuất bán được 2 - 3 con bò, lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm.

Nhờ đó mà cũng thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định hơn, cuộc sống khấm khá hơn. Tôi cũng tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò trong thời gian tới”.

Là xã có tổng đàn bò nhiều trong huyện, ông Trần Văn Tăng - Quyền Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp cho hay: Trước đây đàn bò ở xã chưa phát triển nhiều, ít người nuôi.

Từ khoảng năm 2000, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến thăm và làm việc tại địa phương, từ việc địa phương còn chưa tận dụng nguồn rơm rạ, cỏ tại địa phương mà còn đốt đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gợi ý, chỉ đạo vận động người dân phát triển chăn nuôi bò, nấm rơm để phát triển kinh tế.

“Từ đó đến nay, phong trào chăn nuôi bò tại xã phát triển mạnh, người nuôi có thu nhập ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 1%. Hiện toàn xã có 7/7 ấp chăn nuôi bò với khoảng 700 hộ nuôi, tổng đàn bò trên 2.800 con” - ông Tăng cho biết thêm.

Bà Lê Ngọc Yến - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Người chăn nuôi bò đã tận dụng nguồn thức ăn từ rơm dồi dào từ sản xuất lúa 3 vụ/năm với khoảng 10.000ha, kết hợp với trồng cỏ và công lao động nhàn rỗi, giúp gia tăng hiệu quả chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập của người nuôi bò nái sinh sản, bò thịt khoảng 8 - 12 triệu đồng/con/năm.

Từ năm 2014, huyện đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp xem con bò là vật nuôi chủ lực và đưa chỉ tiêu phát triển đàn bò đến năm 2025 đạt 32.500 con được triển khai cho địa phương có điều kiện về diện tích sản xuất lúa lớn, có đàn bò lớn ở một số xã như: Trung Hiệp, Trung Thành, Trung Nghĩa, Quới An,...

Phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi an toàn

Theo ngành nông nghiệp, bên cạnh việc khuyến khích áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao tầm vóc cho đàn bò, địa phương cũng đã khuyến khích người dân chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn thô, xanh.

Tổng đàn bò toàn huyện Vũng Liêm hiện có trên 30.600 con, đạt 94,3% kế hoạch, trong đó bò lai ngoại chất lượng cao đạt 97% tổng đàn. Diện tích trồng cỏ nuôi bò 861,8ha (trong đó: cỏ trồng dưới ruộng 179,9ha; cỏ vườn 682,9ha).

Cùng với đó, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng các biện pháp chế biến để dự trữ, nâng cao chất lượng của thức ăn; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò. Với những hộ chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, tiêm phòng vaccine định kỳ...

Để đạt được chỉ tiêu phát triển đàn bò đến năm 2025 là 32.500 con, hàng năm ngành nông nghiệp huyện Vũng Liêm đã kết hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các xã tăng cường tuyên truyền đến hộ chăn nuôi công tác tiêm phòng vaccine để bảo vệ và phát triển tổng đàn vật nuôi. Đồng thời, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, cho hay: Thời gian qua, việc phát triển đàn bò cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo đó, nông dân cũng đã ý thức hơn trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêm ngừa đầy đủ cho đàn vật nuôi, đồng thời, tham gia tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ, cách thức chăn nuôi sao cho đạt hiệu quả cao hơn.

Định hướng phát triển chăn nuôi bò trong thời gian tới, bà Lê Ngọc Yến, cho hay: Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án của tỉnh đầu tư con giống trên địa bàn huyện để cải thiện tầm vóc đàn bò, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thông qua sơ chế, chế biến đối với sản phẩm thịt bò để nâng cao giá trị gia tăng.

Tuyên truyền người dân tận dụng phân bò qua xử lý để làm phân bón cho cây trồng, vừa tăng thu nhập từ nguồn phân bò, vừa góp phần giảm lượng phân bón hóa học, giúp giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi bò kết hợp với trồng cỏ, sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi bò.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, chất lượng đàn bò được duy trì và phát triển theo hướng lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt; chăn nuôi nông hộ chiếm chủ yếu với hình thức tận dụng các bờ bao, diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cỏ kết hợp với tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô, thân cây bắp, vỏ khóm, bả đậu nành, hèm bia,… đã mang lại hiệu quả ổn định, tận dụng lao động nhàn rỗi, giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG