Thủ tướng Võ Văn Kiệt - tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm. Gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt và vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm. Gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt và vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta.
Có thể thấy rằng lúc còn đương chức hay nghỉ hưu, ông luôn đau đáu, trăn trở những giải pháp làm sao để giúp dân thoát nghèo, làm sao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ông nhắc nhở: “Hơn lúc nào hết, Đảng phải làm hết sức mình để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân”(1). “Chăm lo cho người nghèo hiện nay, không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”(2). Lời căn dặn đó xuất phát từ lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Ông đã chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất. Vì thế trong mỗi chuyến về thăm quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long, ông đều đề nghị đi cơ sở, thăm những người nông dân sản xuất giỏi, thăm hỏi bà con lao động, tìm hiểu tình hình làm ăn, hướng dẫn cán bộ cách thức chăm lo phát triển kinh tế - xã hội.
Đến thăm một số gia đình, thấy vườn tạp còn nhiều, ông góp ý với cán bộ xã “tấc đất là tấc vàng” nên xã cần tuyên truyền, vận động bà con cải tạo để trồng cây ăn trái, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, tăng thu nhập. Vào mùa lũ, ông không ngại vất vả, xắn quần lội đi tìm hiểu công tác phòng chống lụt bão, chỉ đạo việc làm đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, đi khảo sát về tình hình kinh tế - xã hội của 12/19 xã của huyện, trực tiếp góp ý với các địa phương về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền. Với những gợi ý đó, các xã đã dồn sức, tạo điều kiện để bà con thoát nghèo bằng cách phát triển đàn bò, trồng lúa chất lượng cao; vận động bà con tiết kiệm trong chi tiêu để có vốn làm ăn.
Trên vùng đất “cái nôi của Khởi nghĩa Nam Kỳ” Vũng Liêm, ông chỉ đạo, gợi ý xây dựng các công trình văn hóa xã hội có ý nghĩa quan trọng như: Quảng trường Văn hóa huyện, Công viên Nam Kỳ Khởi nghĩa, Bảo tàng nông ngư cụ, xây dựng Đình Bình Phụng...
Mỗi chuyến về thăm quê, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều ghé các gia đình khó khăn để thăm hỏi, động viên và chỉ dạy cách làm ăn để vượt khó, thoát nghèo. Vào những năm 2000, giao thông ở xã Trung Hiệp không thuận tiện, chuyện làm ăn, buôn bán của người dân rất khó khăn. Ông đã vận động nhà hảo tâm cùng với gia đình đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu, như: đường nhựa nối liền xã Trung Hiệp với QL53, đường điện trung thế kéo điện cho toàn bộ hộ dân ấp Bình Phụng, xây dựng Trường Tiểu học Trung Hiệp A. Tại quê nhà Trung Hiệp nơi có đất hương hỏa của họ tộc hơn 1.000m2, ông dành làm vườn lưu niệm, kiến trúc đơn giản chỉ có hàng rào, tấm bia lưu niệm, viên đá ghi công ơn người mẹ kính yêu.
Ngoài ra, ông còn quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều công trình phục vụ đời sống người dân trong huyện. Năm 2006, về thăm và làm việc tại xã Hiếu Nhơn, ông có kết luận và chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Vũng Liêm đưa vào quy hoạch và thực hiện sớm 4 công trình cơ bản là xây dựng và mở rộng chợ xã Hiếu Nhơn; di dời trụ sở hành chính để có mặt bằng mở rộng chợ; di dời Trường THCS - THPT Hiếu Nhơn ra khỏi khu đông dân cư; xây dựng cầu vượt sông Ngã Chánh, mở rộng lộ đi hướng Hiếu Nhơn- Hòa Bình. Đến nay đã thực hiện được 2/4 công trình di dời trụ sở hành chính đến nơi rộng rãi; xây dựng và mở rộng chợ Hiếu Nhơn đạt chuẩn chợ loại II bảo đảm nhu cầu phục vụ kinh doanh mua bán hàng hóa; phố chợ khang trang, hiện đại. Năm 2008, trong chuyến về thăm quê, thấy Trạm Y tế xã Trung An xuống cấp, thiết bị y tế thiếu thốn, ông đã vận động xây mới trạm y tế. Rồi vận động xây cầu, đường ở nhiều nơi, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Có lần về quê tại xã Trung Hiệp, ông đi giữa các cụ già, nói chuyện ruộng đồng, cày cấy, thu hoạch nông sản, xoa đầu mấy em nhỏ trong xóm, cứ như một “lão nông tri điền” chưa từng ra khỏi bờ tre đầu làng - gần gũi, giản dị đến vô cùng.
Quê hương Vũng Liêm luôn trân trọng, tự hào về một người con, một cuộc đời, một sự nghiệp cách mạng hết sức lớn lao đã dâng hiến cho Đảng, cho dân tộc, cho đất nước, cho quê hương. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân ấp Hiếu Thủ, xã Hiếu Nhơn đã xây dựng cây cầu vượt sông Cái Cá (nối liền xã Hiếu Nhơn- Hiếu Thuận), có ghi dòng chữ “nhân dân Hiếu Thủ nhớ ơn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.
Tự hào với truyền thống quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Vũng Liêm quyết tâm: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ dựa trên nền tảng nông nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ dân trí; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể theo hướng tập trung về cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”(3), để đưa huyện phát triển nhanh và bền vững; xứng đáng với những kỳ vọng, nghĩa tình của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt dành cho quê hương Vũng Liêm.
(1) Võ Văn Kiệt vị Thủ tướng trọn đời vì Dân, NXB Lao động, 2008 (bài “Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân”, trang 54)
(2) Võ Văn Kiệt vị Thủ tướng trọn đời vì Dân, NXB Lao động, 2008 (bài “Không để người nghèo chịu thiệt thòi mãi”, trang 75)
(3) Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Vũng Liêm, nhiệm kỳ 2020 - 2025
QUYÊN TRẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin