Đại dịch COVID-19 khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội đã chung sức để tạo thành "vòng tay yêu thương" xoa dịu nỗi đau mất mát và giúp các em vươn lên.
Những lời thăm hỏi, những món quà động viên các em vượt qua nghịch cảnh. |
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội đã chung sức để tạo thành “vòng tay yêu thương” xoa dịu nỗi đau mất mát và giúp các em vươn lên.
Nỗi đau người ở lại
Theo NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cùng cả nước đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và áp dụng nhiều biện pháp, hạn chế khắc phục sự ảnh hưởng, sự tổn thương do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, sự mất mát về người và tổn thương về tâm lý, tình cảm, nhất là đối với trẻ em bị mồ côi do mất cha, mẹ, mất đi người thân ruột thịt thì khó khắc phục và muốn khắc phục phải là một quá trình lâu dài, phải có sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, từ gia đình đến nhà trường và xã hội.
Theo số liệu thống kê của ngành lao động - TB - XH, hiện tại tỉnh Vĩnh Long có 51 em trong độ tuổi từ 2 đến dưới 18 tuổi bị mồ côi, trong đó có 26 em bị mất cha, 23 em bị mất mẹ và 2 em mất cả cha lẫn mẹ. Và trong số 51 trẻ em này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã có chính sách hỗ trợ kịp thời, ngay từ khi gia đình các em bị ảnh hưởng của đại dịch (như hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ hàng tháng, tặng sổ tiết kiệm,...)
Ông Nguyễn Văn Nệ (xã Tân Lộc - Tam Bình) chia sẻ: “Trong vòng có 3 ngày thôi mà gia đình mất đi hai người thân yêu nhất. Đó là vợ tôi và con gái tôi, bỏ lại 2 đứa cháu nhỏ, đứa đang học lớp 3 và đứa vừa đi mẫu giáo. Cháu Lê Nguyễn Toàn Thắng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cháu ở với tôi từ nhỏ, mỗi khi chiều buông xuống, cháu nhớ mẹ, chỉ ra mộ kêu “mẹ… mẹ”, nghe mà đau như xé lòng”…
Thầy Trần Hoàng Túy - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng cho biết, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, đã có nhiều trẻ em mất cha, mẹ một cách đột ngột. Điều đó đã để lại tổn thương vô cùng lớn đối với trẻ, đây là cú sốc tâm lý và tạo ra sang chấn lớn lao. Chính vì thế nhiều trẻ tỏ ra sợ hãi, thay đổi thói quen ăn ngủ, sống thụ động, thu mình vào khoảng lặng, kém tương tác... vì thấy không an toàn khi vắng cha mẹ. Các nhà nghiên cứu cho biết thông thường khi đón nhận tin dữ, chúng ta trải qua 5 giai đoạn: Không chấp nhận sự thật, cảm xúc tức giận, có ý nghĩ mặc cảm (cho rằng tại vì... giá như...), tiếp theo là rơi vào giai đoạn buồn bã và cuối cùng là chấp nhận. Đối với trẻ, trong thời gian khoảng 2 năm đầu để nguôi ngoai sự mất mát, trẻ rất cần những người thân, bạn bè, và các tổ chức xã hội hỗ trợ cần thiết cho trẻ.
Theo thầy Trần Hoàng Túy, trẻ luôn lục lọi ký ức, suy nghĩ, có thể bị rối loạn đau buồn kéo dài và cảm thấy đắng cay cho hoàn cảnh, cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, dần đến tách biệt xã hội. Đây là lúc cần được hỗ trợ tâm lý ở mức cao nhất. Cần phải giúp trẻ chấp nhận sự đau thương như là một phần của cuộc sống. Nếu các em khóc lóc, than vãn, lo lắng,... người lớn có thể lắng nghe, chia sẻ, không xoa dịu một cách hời hợt. Hãy giúp trẻ bộc lộ các cảm xúc đau buồn mà không làm tổn hại thể chất hoặc tinh thần như kể lại kỷ niệm, viết nhật ký, vẽ tranh, ca hát, đi dạo, tham gia các hoạt động tình nguyện, thăm các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ em đường phố,... Điều quan trọng là hãy nhắc những điều tốt đẹp về cha mẹ của các em và khuyến khích các em cùng cầu nguyện điều tốt lành cho cha mẹ đang ở thế giới khác. Không nên né tránh và nói dối các em, khuyên các em bình tĩnh chấp nhận sự thật và hướng đến tương lai.
Làm chỗ dựa về vật chất và tinh thần
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, sở đã triển khai hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cũng như theo dõi, chỉ đạo việc điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi COVID-19. Kết quả tiêm chủng cho trẻ em của tỉnh Vĩnh Long luôn đạt ở mức cao so với các tỉnh/thành trong cả nước. Trong đó, đến cuối tháng 10/2022, trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã tiêm 253.050 mũi, mũi 1 đạt tỷ lệ 99,9%; mũi 2 tỷ lệ 99,8% và mũi 3 tỷ lệ 72,8%. Đối tượng trẻ em 5 - 11 tuổi đã tiêm 197.234 mũi, mũi 1 đạt tỷ lệ 98,8% và mũi 2 đạt tỷ lệ 85,7%.
Những lời thăm hỏi, những món quà động viên các em vượt qua nghịch cảnh. |
Bà Lý Thị Kiệp - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thì chia sẻ: “Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm khát nước, biết người nào lo”, đại dịch COVID-19 đã qua đi, nhưng nỗi ám ảnh, mất đi người thân yêu nhất của những đứa trẻ, chắc hẳn sẽ còn mãi dai dẳng không nguôi. Thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm với nhiều trẻ em nghèo mồ côi do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập được 33 mô hình “Mẹ đỡ đầu”, tăng cường vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp 132 lượt trẻ em mồ côi, số tiền 117,9 triệu đồng. Trong đó, nổi bật là Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu 8 trẻ mồ côi đến khi các em đủ 18 tuổi. Tỉnh Hội vận động Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc TP Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu 10 trẻ trong thời gian một năm, mỗi tháng hỗ trợ 500.000đ.
Bên cạnh việc quan tâm đến sức khỏe và tâm lý các em, chị Lưu Như Ngọc - Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho rằng cần chú ý đến các trường hợp gia đình hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ vốn đã thoát nghèo nhưng sau dịch đã tái nghèo để có những hình thức chăm lo cho các em như: có chế độ miễn giảm học phí, tặng học bổng, tặng BHYT... Một vấn đề rất đáng quan tâm là điều kiện và kết quả học tập của trẻ. Trong thời gian học trực tuyến, bên cạnh một số em sớm thích nghi thì cũng có không ít trẻ không theo kịp bài học trên lớp, nên khi đi học trực tiếp đã bị hổng kiến thức. Hoặc có trường hợp khi học trực tuyến do không được gia đình hỗ trợ nên đã lơ là việc học, dẫn đến kết quả không tốt... Tất cả các trường hợp này đều cần được quan tâm, chăm sóc để củng cố kiến thức và không mất căn bản cho các năm học sau. Đồng thời, kết nối hỗ trợ tư vấn tâm lý, riêng đối với trẻ mồ côi thì thời gian hỗ trợ kéo dài đến khi trẻ đủ 18 tuổi…
Các cấp, các ngành quan tâm chăm lo cho các em đến trường. |
Với sự chung tay chia sẻ yêu thương của cả cộng đồng theo phương châm “lắng nghe các em bằng trái tim, bảo vệ các em bằng hành động”, các em có thêm điểm tựa, giúp các em tiếp tục học tập, vượt qua khó khăn và thực hiện được những ước mơ của mình trong tương lai.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin