Năm học 2022 - 2023 được ngành giáo dục Vĩnh Long xác định là năm học trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đối với chương trình đổi mới các lớp 3, 7 và 10. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã và đang nỗ lực, phấn đấu để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 này.
Năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10, giáo viên nỗ lực để thực hiện tốt. |
Năm học 2022 - 2023 được ngành giáo dục Vĩnh Long xác định là năm học trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đối với chương trình đổi mới các lớp 3, 7 và 10. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã và đang nỗ lực, phấn đấu để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới
Điểm nổi bật của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD- ĐT là chủ trương tích hợp liên môn. Đối với cấp THCS có 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Nếu như trong năm học trước nhiều trường vẫn còn lúng túng trong việc bố trí sắp xếp giáo viên giảng dạy thì năm học này từng bước khắc phục khó khăn đảm bảo chất lượng dạy và học.
Theo chương trình này, Ngoại ngữ, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3 thay vì là môn học tự chọn như trước đây. Còn đối với lớp 10, thay vì 13 môn học bắt buộc thì chương trình mới có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh, học sinh sẽ lựa chọn 4/9 môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Học sinh, phụ huynh được các trường tư vấn kỹ để chọn môn học phù hợp năng lực, sở trường, ngành nghề trong tương lai. |
Đặc biệt, đối với các trường có 2 cấp học là THCS và THPT sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối lớp 7, 10 và tiếp tục thực hiện ở khối lớp 6.
Để chương trình thực sự có hiệu quả rất cần sự quan tâm của ban giám hiệu và nhà trường trong việc sắp xếp, phân công giáo viên hợp lý, phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Cô Đỗ Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, giáo dục học sinh theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất, theo định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chúng tôi xác định giáo viên là nhân tố nền tảng, ban giám hiệu nhà trường bố trí giáo viên khoa học hợp lý, những thầy cô nào cần phải chuẩn hóa thì bồi dưỡng thường xuyên và cho thầy cô học tập một cách tích cực để có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy”.
Nỗ lực thực hiện chương trình
Ngay sau khi tuyển sinh lớp 10, các trường THPT tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tư vấn hướng dẫn các em chọn môn học theo nguyện vọng của học sinh. Hầu hết các trường đều tổ chức tư vấn khoảng 3 lần, với mục tiêu là để các em chọn được tổ hợp, những môn học phù hợp nhất cho nguyện vọng của mình. Việc triển khai chương trình mới gặp nhiều khó khăn, trong đó việc xây dựng tổ hợp lựa chọn vừa đáp ứng nhu cầu học sinh vừa phải căn cứ vào đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất của nhà trường; thực tế, nếu cho các em lựa chọn tự do thì tổ hợp rất đa dạng không thể đáp ứng được.
Trường THPT Vĩnh Long ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất để cho các em học sinh đáp ứng chương trình một cách tốt nhất. 100% các thầy cô giáo dạy lớp 10 được tập huấn, nhờ đó giáo viên tự tin hơn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cô Kim Loan chia sẻ: “Đối với môn trải nghiệm hướng nghiệp là môn học mới của lớp 10 bắt đầu thực hiện của năm 2022 này, giáo viên Trường THPT Vĩnh Long cũng tìm tòi, nghiên cứu để soạn những giáo án giảng dạy cho các em trong thời lượng quy định. Thứ hai là môn Giáo dục địa phương được thực hiện ở môn Ngữ văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân với tổng thời lượng là 35 tiết. Trường phân theo chuyên đề rồi phân công giáo viên ở từng tổ chuyên môn để đáp ứng đúng quy định về chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Các trường tiểu học đã có kinh nghiệm trong thực hiện chương trình. |
Chia sẻ về việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Phạm Kim Sa - giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Phạm Hùng (TP Vĩnh Long) cho biết: “Trong các tiết dạy cần đổi mới phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh có giờ học sinh động, hiệu quả. Để có những tiết học như vậy không chỉ bản thân tôi mà có sự phối hợp từ trong tổ để cùng tìm ra phương pháp và hiệu quả nhất. Bên cạnh giáo viên phải luôn quan tâm khuyến khích học sinh để các em tự phát triển kiến thức của mình và từ đó các em phát huy khả năng tư duy, đồng thời cần khen ngợi khuyến khích học sinh khi cần thiết”.
Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới cần có nhiều yếu tố, trong đó giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất. Đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của các trường của đội ngũ giáo viên trong việc dạy học môn tích hợp. Nhìn chung, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các trường phổ thông có những thuận lợi và khó khăn riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tất cả giáo viên và học sinh đã tiếp cận được với chương trình. Những nỗ lực của giáo viên khi triển khai và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học này là tiền đề quan trọng cho toàn ngành giáo dục tiếp tục phát huy những hiệu quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới.
Bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD - ĐT: Năm học mới đặt ra cho ngành giáo dục, các cấp quản lý và từng cán bộ quản lý, giáo viên yêu cầu phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin