Trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, thống nhất của các tầng lớp nhân dân. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên và đã trở thành một trong những phong trào thi đua rộng khắp, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Giới trẻ ngày một ý thức hơn việc “sống xanh”, giữ môi trường sạch đẹp. |
(VLO) Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, thống nhất của các tầng lớp nhân dân.
Chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên và đã trở thành một trong những phong trào thi đua rộng khắp, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa là một động lực
Từ khi Chỉ thị 01-CT/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” được triển khai vào tháng 9/1996, tỉnh Vĩnh Long luôn xác định cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - TT - DL Phan Văn Giàu, thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH và các phong trào thi đua khác do các địa phương phát động đã giúp cho kết cấu hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, kinh tế, đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Các danh hiệu xây dựng gia đình văn hóa, ấp khóm văn hóa tiếp tục được nâng cao chất lượng. Số lượng gia đình, khu dân cư văn hóa năm sau cao hơn năm trước.
Hương ước, quy ước được đảm bảo, 100% hương ước, quy ước của các ấp, khóm, khu đều được UBND cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định và được triển khai thực hiện hiệu quả đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu đặt ra của năm 2022.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 263.504/271.562 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 97,03% (tăng 0,19% so với năm 2020).
Thông qua các đợt triển khai, tuyên truyền, quán triệt, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân được nâng lên; thấy được tầm quan trọng của phong trào, xem công tác xây dựng đời sống văn hóa là một động lực.
Từ đó, đã thúc đẩy phong trào ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhân dân, khơi dậy tiềm lực của nhân dân đóng góp nhiều nguồn lực cho phong trào phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh.
Xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn là một trong những địa phương thực hiện tốt và lan tỏa sâu rộng phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua cuộc vận động, xã đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ tận tụy với phong trào và nhiều gương người tốt - việc tốt.
Nhiều phong trào thi đua được phát động ở trong toàn xã như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” của ngành công an; phong trào “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Hựu Thành Nguyễn Bích Thi chia sẻ, trong cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư có nhiều cá nhân đã tận tụy, tâm huyết xây dựng phong trào như bà Nguyễn Thị Hà - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa góp phần vào việc xây dựng mô hình “tuyến đường hoa nông thôn”; bà Thạch Thị Búp Pha (ấp Trà Sơn) với mô hình đan ghế nhựa tạo việc làm cho chị em phụ nữ...
Bên cạnh đó, các hội đoàn thể có những mô hình hiệu quả tiêu biểu như: Đoàn thanh niên có mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cam sành, nuôi heo đất; kế hoạch nhỏ; hội liên hiệp phụ nữ có mô hình 5 không 3 sạch, hùn vốn xoay vòng, thu gom chai nhựa bán để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, may gia công giải quyết việc làm...
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Ông Phan Văn Giàu đánh giá, nhờ phát huy tốt vai trò của đảng viên, đoàn viên, hội viên làm nòng cốt, triển khai đến từng hộ dân tạo nên lực lượng tuyên truyền hùng hậu rộng khắp, tác động lớn đến phong trào và thực hiện có hiệu quả trong xây dựng các loại hình văn hóa và xây dựng NTM.
Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu cuối năm 2022, có 98% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa trở lên, giữ vững 99% ấp (khóm, khu) đạt chuẩn văn hóa trở lên và đạt 80% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra BCĐ Trung ương về thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH mới đây, Sở Văn hóa - TT - DL kiến nghị BCĐ Trung ương sớm ban hành văn bản quy định xây dựng các loại hình văn hóa cơ sở tôn giáo, chợ, siêu thị, bến xe, bến tàu, bến phà,... (hiện nay tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện theo Chỉ thị số 01-CT/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1996).
Bên cạnh đó, kiến nghị xem xét xây dựng bộ tiêu chí của cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền công nhận là một trong những nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH…
Đoàn kiểm tra BCĐ Trung ương về thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH do Thứ trưởng Bộ Lao động - TB - XH Nguyễn Thị Hà làm Trưởng đoàn đến làm việc với tỉnh và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào này của tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị cần lựa chọn những gương điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các lĩnh vực để truyền thông sâu rộng, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống xã hội.
Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; có chính sách đầu tư nâng cấp các nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp gắn với nghiên cứu đưa các nội dung bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian vào các hoạt động nhà văn hóa để thu hút người dân tham gia.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động của BCĐ phong trào các cấp địa phương, nhất là việc bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch...
Qua hơn 20 năm thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH đã để lại dấu ấn với những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Những giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển bền vững, xây dựng nông thôn thêm giàu đẹp.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin