Nửa đêm nghe điện thoại reo, ông bạn nuôi tôm nói giọng nghe như khóc: "Chết tui rồi Hai Lúa ơi, cả ngày nay không mua được lít dầu nào, chắc mấy vuông tôm tui đứt bóng quá!".
Nửa đêm nghe điện thoại reo, ông bạn nuôi tôm nói giọng nghe như khóc: “Chết tui rồi Hai Lúa ơi, cả ngày nay không mua được lít dầu nào, chắc mấy vuông tôm tui đứt bóng quá!”.
Nông dân nuôi tôm không chỉ xài nguồn điện mà có những khâu rất cần đến xăng dầu. Và đương nhiên, không chỉ có một người khổ mà khổ cả xóm nuôi tôm, mà tình trạng các cây xăng đóng cửa không chỉ diễn ra đột xuất mà cứ dây dưa kéo dài, bất chợt. Người trồng rẫy không nổ máy được để bơm nước ngập, hay khi cần tưới tiêu, cũng khổ. Nói chung, chuyện cây xăng đóng cửa nông dân cũng khổ như mọi người dân cần đi làm ăn buôn bán khác.
Nông dân tụi tui thì làm sao biết được những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, cũng làm sao biết được việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa toàn bộ hay một phần thì sẽ có những ảnh hưởng gì,… chỉ biết những nỗi khổ thấy nhỏ nhỏ nhưng thực ra với từng gia đình là chuyện “sống còn”. Một mặt hàng đặc biệt, thì khó có thể nói việc đóng cửa dù ít dù nhiều là… bình thường được. Hai Lúa tui đọc báo thấy có người thống kê rằng con số cửa hàng xăng dầu đóng cửa chỉ là… con số nhỏ, nghe mà lùng bùng lỗ tai luôn.
Những dọc dài người đi làm chờ đổ xăng, những nông dân chờ từng thùng dầu cho máy móc trên đồng ruộng, có lẽ nhiều người nghĩ đó chỉ là những nỗi khổ… nhỏ. Có phải đó là sự thiếu cảm thông, hay là sự vô cảm. Thật đáng lo, cũng thật đáng trách!
Nông dân như Hai Lúa tui thì đâu rành rẽ những nguyên nhân sâu xa, chỉ nhìn vào hiện tượng rồi đặt câu hỏi… cho riêng mình, ờ tại sao chỗ này thiếu xăng dầu, còn chỗ kia không thiếu; ờ còn cửa hàng này thì đóng, còn cửa hàng gần đó thì vẫn bán bình thường?... Rất cần có những câu trả lời minh bạch, có trách nhiệm, không phải kiểu ỡm ờ, đùn đẩy cho nhau.
Cũng sẽ có những cửa hàng làm ăn kiểu “tát nước theo mưa” có tính chất đầu cơ, thì đã có sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hữu quan ở từng địa phương thực hiện. Vấn đề là cái gốc của câu chuyện. Nông dân trồng lúa, trồng rẫy, nuôi trồng, thì không thể đứt đoạn nguồn cung năng lượng đặc biệt này, khi mà sự thiếu hụt rơi đúng thời điểm nhạy cảm thì coi như bà con dễ bị trắng tay. Những đối tượng yếu thế, yếu tiềm lực dễ bị tổn thương và rất khó phục hồi sau một hai vụ mùa thất bát. Rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin