Vùng quê đáng sống

07:09, 02/09/2022

77 năm trôi qua (2/9/1945- 2/9/2022), kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuộc sống của người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã có sự đổi thay đáng kể.

 

Nhiều tuyến đường được chăm chút trồng hoa, hệ thống đèn đường thắp sáng phủ khắp, tạo diện mạo nông thôn đẹp hơn và sáng hơn.
Nhiều tuyến đường được chăm chút trồng hoa, hệ thống đèn đường thắp sáng phủ khắp, tạo diện mạo nông thôn đẹp hơn và sáng hơn.

77 năm trôi qua (2/9/1945- 2/9/2022), kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuộc sống của người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã có sự đổi thay đáng kể.

Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã biến những vùng đất đầy gian khó ngày nào trở thành những vùng quê đáng sống, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Bước qua một thời gian khó

Giao thông rất khó đi, mùa mưa lầy lội, lũ về ngập lụt, nhiều nơi không bắt được cây cầu để qua sông nhỏ… là ký ức một thời gian khó của nhiều người. Là người con của xứ cù lao, ông Trần Văn Tỏ- ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ) hiểu rõ những khó khăn trong việc đi lại, bởi trước đây toàn là cầu tre lắt lẻo.

“Nếu tính 2 đầu của ấp Phước Định 2 chỉ dài khoảng 2,5km mà có đến hai mươi mấy cây cầu qua kinh mương”- ông Tỏ kể. Trong khi tuổi thơ của anh Lê Như Thảo- Ấp 3 (xã Hòa Thạnh, Tam Bình) gắn liền với những ngôi trường tre lá tạm bợ, đường đồng, bờ ranh nhỏ xíu, mỗi khi trời mưa hay mùa nước lũ tràn về là “té lên té xuống không biết bao nhiêu lần”. Đường đến trường của anh và bạn bè thuở ấy rất vất vả và… xa xôi.

Không riêng gì chuyện đi lại, học hành… khó khăn, mà người dân nông thôn trước đây chưa có trạm y tế xã, muốn khám chữa bệnh phải lên tới huyện hoặc tỉnh mới có bệnh viện. Chỉ một hai hộ có điều kiện sắm được cái ti vi trắng đen, hàng đêm cả xóm đốt đuốc qua nhà để… coi ké.

Nhưng đó đã là chuyện của ngày xưa. Giờ đây ở vùng nông thôn, điều làm người dân phấn khởi nhất là đường sá được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, xã nối liền xã, ấp nối liền ấp, xóm nối liền xóm với những chiếc cầu bê tông vững chắc bắc qua sông, rạch. Những con đường được lót đan, trải nhựa với mặt lộ ngày càng rộng thoáng hơn để xe 4 bánh chạy thoải mái về tới tận nhà.

Song song với việc thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có nhiều quyết sách quan trọng để kiến tạo đất nước, đặc biệt là vùng nông thôn- nơi từng được xem là “còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với thành thị”. Trong đó, thông qua chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống người dân nông thôn, biến những vùng đất đầy gian khó ngày nào trở thành những vùng quê thêm tươi đẹp, trù phú và đáng sống hơn.

Khi có đường, người dân chung tay cùng địa phương trồng hoa, cây xanh và lắp đặt hệ thống đèn đường thắp sáng. Với sự song hành của “bộ tam” đường- hoa- đèn đã tạo nên diện mạo xanh hơn- đẹp hơn và sáng hơn cho vùng quê. Những con đường “về đêm tối om như mực”, giờ đây đèn đường đã được bật sáng trưng mỗi khi đêm về, nông thôn hôm nay thêm yên bình và an ninh hơn. Và nếu có việc về trễ vào buổi tối cũng thấy an tâm hơn vì đèn đã thắp sáng khắp nơi nơi…

Cùng với đó, trường học, trạm y tế được đầu tư xây mới, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh; cơ sở vật chất văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục- thể thao; điện, nước sạch, internet… phủ khắp nông thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiếp cận thông tin của người dân.

Người dân nông thôn có cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn.
Người dân nông thôn có cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn.

Đây chính là “cuộc sống trong mơ” đối với người dân nông thôn- những người mà trước đây đã từng trải qua thời kỳ gian khổ trong lửa đạn chiến tranh, cũng như những năm đầu đầy gian khó khi bắt tay xây dựng đất nước, thì càng hiểu rõ nỗi nhọc nhằn, thiệt thòi khi ở nông thôn và từ đó thêm trân quý những thành quả hôm nay.

Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT

Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế- xã hội, văn minh của mỗi quốc gia thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cốt lõi sâu thẳm từ đất, từ người. Chúc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2026 được triển khai thực hiện thành công để nông thôn ngày càng tươi đẹp và ngày càng đáng sống.

“Cuộc sống trong mơ”

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Và đến hôm nay, khi nhìn lại bức tranh nông thôn, nhiều người đã thốt lên rằng: “cuộc sống đã phát triển hơn cả chục lần” và “còn hơn cả mong đợi”, “không ngờ tới sẽ được như vậy”…

Thật vậy, “khi nhìn lại qua nhiều năm mới thấy giật mình trước sự đổi thay không ngờ trên quê hương mình”- anh Thảo cười tươi và cho rằng: Giờ các con của mình “sướng như tiên” vì đi học toàn đường đan, đường lán nhựa thẳng tắp, con đường đến trường đã không còn xa như trước nữa và được học tập trong những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn quốc gia.

“Hiện nay, nông thôn có mức sống không thua kém thành thị. Thậm chí môi trường sống còn sướng hơn vì có cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ. Cuộc sống ở nông thôn yên bình và đã đầy đủ tiện nghi hơn”- ông Lê Thanh Phong- Ấp 6A (xã Mỹ Lộc, Tam Bình) phấn khởi nói.

Việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã giúp cho đời sống người dân nông thôn bước sang trang mới. Nhiều xã đã quy hoạch thành từng vùng “trồng 3 cây và nuôi 3 con” theo định hướng của tỉnh. Trong đó, một số xã nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp đã phát triển trồng cây có múi, đặc biệt là cam sành. Thời điểm cam có giá, nhiều người nói vui là: Tới vụ thu hoạch, nông dân bán cam mà… “vác tiền hổng nổi”. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng hướng mà thu nhập của người dân đã nâng lên đáng kể.

Điện, đường, trường, trạm… được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, đã đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Cũng chính vì vậy, không ít người có học vấn cao, có công việc ổn định với thu nhập khá… đã sẵn sàng “rũ bỏ hào quang” nơi đô thị, trở về quê nhà- ở vùng nông thôn để khởi nghiệp và cống hiến cho quê hương.

Hơn nữa, họ đã viết nên những câu chuyện thành công khi chọn nông nghiệp làm sinh kế và tự hào mình là nông dân như: anh Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới (Trà Ôn), anh Nguyễn Thanh Tân- chủ Trang trại lươn giống, cá chạch lấu giống nhân tạo Thanh Tân (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ)…

Trường học được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở vật chất, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.
Trường học được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở vật chất, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

“Nông thôn ngày nay đã đổi thay nhiều lắm”, “khoảng cách nông thôn và thành thị ngày càng rút ngắn lại”… Đó là những câu nói mà chúng tôi thường được nghe khi trở về nông thôn. Thực vậy, có đi nhiều và có tận mắt nhìn thấy sự đổi thay của nông thôn, nhiều người đã thốt lên rằng: “vùng quê thật yên bình, đáng sống”.

Và càng thêm tự hào để nói với mọi người rằng: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn…”- như lời của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một trong những cây bút nổi bật nhất của nền văn học Việt Nam đương đại với nhiều tác phẩm có giá trị viết về nông thôn. Cùng với sự đổi thay của đất nước thông qua những quyết sách hợp “ý Đảng, lòng dân”, bức tranh nông thôn đã và đang chuyển mình đổi mới mạnh mẽ với diện mạo ngày càng đẹp hơn, sáng hơn và thực sự trở thành những vùng quê đáng sống.

Đến nay, toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn NTM chiếm 75,86%, trong đó có 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm tỷ lệ 31,8% trên tổng số xã đạt chuẩn NTM. TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Bình Tân đạt chuẩn huyện NTM.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh