Khẩn trương khống chế bệnh sốt xuất huyết

03:09, 28/09/2022

Tính đến nay, Vĩnh Long ghi nhận hơn 2.235 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 667 ổ dịch và có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng hơn 6,5 lần. Ngành y tế và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp để khống chế, không để bệnh lây lan. 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhi đang điều trị SXH tại TTYT huyện Tam Bình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhi đang điều trị SXH tại TTYT huyện Tam Bình.

Tính đến nay, Vĩnh Long ghi nhận hơn 2.235 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 667 ổ dịch và có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng hơn 6,5 lần. Ngành y tế và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp để khống chế, không để bệnh lây lan. Trong đó, giám sát chặt chẽ ca bệnh và nâng cao ý thức cộng đồng chung tay phòng chống SXH đang được các địa phương đẩy mạnh.

SXH tại Vĩnh Long diễn biến phức tạp

Trước tình hình bệnh SXH hiện vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo của ngành y tế, số ca mắc SXH tại Vĩnh Long tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do khí hậu nắng, ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.

 Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tam Bình- Bùi Thanh Tùng cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 325 ca mắc SXH, tăng 255 ca so với cùng kỳ; có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở cả 17/17 xã, thị trấn, với 54 ổ dịch nhỏ.

Tại huyện Trà Ôn, Phó giám đốc TTYT huyện Trà Ôn- Phạm Minh Phước cho biết, huyện ghi nhận 276 ca mắc SXH, tăng 10 lần so với cùng kỳ; có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở 14/14 xã, thị trấn, với 107 ổ dịch.

Bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhi đang điều trị SXH tại TTYT huyện Trà Ôn vào ngày 26/9.
Bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhi đang điều trị SXH tại TTYT huyện Trà Ôn vào ngày 26/9.

Tam Bình và Trà Ôn là hai địa phương có số ca mắc SXH cao và đều có 1 trường hợp tử vong. Thời gian qua, các địa phương này đã thực hiện công tác giám sát mật độ muỗi, lăng quăng ở các xã điểm hàng tháng, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi và tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về các biện pháp phòng, chống SXH. Song, công tác phòng, chống bệnh hiện cũng có một số khó khăn như: ý thức của người dân chưa đồng đều, chưa hiểu hết được tác hại của bệnh; hoạt động diệt lăng quăng và diệt muỗi tại hộ gia đình chưa thường xuyên, còn tình trạng xuất hiện các ổ chứa lăng quăng tại nhà.

Ngoài ra, công tác xử lý ổ dịch nhỏ còn nhiều khó khăn do một số hộ dân không đồng tình phun thuốc, thiếu kinh phí và máy phun phục vụ công tác phun thuốc diện rộng.

Các đơn vị kiến nghị tỉnh tiếp tục trang bị thêm máy phun thuốc và hóa chất diệt muỗi, tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, hỗ trợ tiền công cho người phun hóa chất xử lý ổ dịch SXH...

Tích cực khống chế bệnh SXH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh vừa cùng lãnh đạo ngành y tế tỉnh đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH tại một số địa phương trong tỉnh.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh, đồng thời đề nghị các đơn vị tập trung hơn nữa, hướng tới giảm số ca mắc, và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các trung tâm y tế cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, từ đó phát hiện sớm các trường hợp mắc SXH và những nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng.

“Ngành y tế phối hợp với địa phương đẩy mạnh, đa dạng các phương thức truyền thông để người dân dễ tiếp cận, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa bệnh và dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, từ đó chủ động trong công tác phòng, chống bệnh SXH. Đánh giá đúng tình hình SXH trên địa bàn, chú trọng tăng cường sự hỗ trợ của các ngành, các đoàn thể; rà soát, thông tin kịp thời về tình hình vật tư y tế để đề xuất bổ sung đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh  nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, vi rút gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại.

Xử lý điểm sinh sản của muỗi để ngăn chặn SXH
Xử lý điểm sinh sản của muỗi để ngăn chặn SXH

“Bệnh SXH có chu kỳ, từ 3-4 năm sẽ có một đợt SXH cao. Mùa mưa năm nay vừa đúng chu kỳ phát triển bệnh kèm theo những ca SXH nặng. Nhiều người dân chủ quan nghĩ là sốt vì dịch COVID-19, khi test âm tính nên tự điều trị ở nhà, lúc nhập viện đã nặng và tỉnh có 3 trường hợp tử vong”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết.

Để công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, quan trọng nhất là ý thức của mỗi gia đình, cá nhân. Với phương châm không có lăng quăng không có bệnh SXH, mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, không lơ là chủ quan trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long lưu ý, những người có nguy cơ biến chứng do SXH là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền. Ngoài ra những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột... cũng cần chú ý theo dõi. Khi người bệnh sốt cao liên tục, phát ban, đau cơ và khớp… thì cần khẩn trương đến khám tại cơ sở y tế; không được tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Bài, ảnh: QUYÊN ANH

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh