Tại tỉnh Vĩnh Long, qua 20 năm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, kết hợp với các công cụ về kinh tế của các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng các ngành, các cấp đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Vốn vay giải quyết việc làm đồng hành để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. |
(VLO) Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78 về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại tỉnh Vĩnh Long, qua 20 năm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, kết hợp với các công cụ về kinh tế của các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng các ngành, các cấp đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
Gia đình chị Mai Thị Ngọc Quý (xã Trung Thành- Vũng Liêm) trước đây thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, thu nhập không đủ sống. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị xin vào tổ tiết kiệm và được xét vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và nuôi bò trên mảnh đất thuê.
Đến năm 2019, gia đình thoát nghèo, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để tiếp tục nuôi bò sinh sản. Nhờ cần cù, kinh tế gia đình chị có “của ăn của để”, trang trải cho con ăn học.
Hiện gia đình chị đã vươn lên thoát cận nghèo và tiếp tục được vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo 70 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Và giờ, đàn bò 5 con là minh chứng cho nỗ lực vươn lên của gia đình chị Quý.
Gia đình ông Huỳnh Văn Trạng (xã Quới An, Vũng Liêm) vay vốn chính sách 100 triệu đồng chăn nuôi gà và tạo thu nhập ổn định. |
Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế– xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, hộ gia đình ông Huỳnh Văn Trạng (xã Quới An, Vũng Liêm) vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư chuồng trại, mở rộng đàn gà.
Hiện ông có 3 trại nuôi gà thịt (gà tre, gà nòi) và 1 trại vịt, tổng đàn 6.000- 7.000 con, trong đó hàng ngàn con gà chuẩn bị xuất bán. “Mỗi năm tôi xuất 3 lứa gà, giá bán duy trì ổn định đã góp phần đem lại nguồn thu khá tính trên đồng vốn đầu tư nhiều”- người nông dân gần 10 năm chăn nuôi này chia sẻ và nói “dự kiến mở rộng quy mô để tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.
Ông Phan Văn Hùng (xã Tân Hưng, Bình Tân) hồi mới lập gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2008, được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, ông tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở và vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH.
Số vốn này ông đầu tư xây dựng chuồng, mua 1 con bò giống, đắp qua khoai lang lấy ngắn nuôi dài. Cần cù chịu khó nên sau 2 năm, ông Hùng có thêm 2 con bò và từ đó cuộc sống đã đỡ nhiều hơn. Trả hết nợ vay lần đầu, ông vay tiếp 30 triệu đồng đầu tư thêm bò về nuôi.
“Qua gần 10 năm lam lũ và ý thức vươn lên, hiện gia đình tôi đã xây dựng được một căn nhà cấp 4 rộng hơn 100m2, có điều kiện lo cho con ăn học và đã được địa phương công nhận là hộ thoát nghèo theo tiêu chí mới”- ông Hùng nói.
Nhiều hộ vay vốn tín dụng chính sách tạo lập kinh tế ổn định. |
Ông Ngô Văn Hòa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp Thành Sơn (xã Thành Trung) cho biết, 80% người dân sống bằng nghề chăn nuôi, mua bán nhỏ. Tổ lúc đầu có 40 thành viên, được cho vay vốn NHCSXH tổng cộng 250 triệu đồng để các hộ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Sau nhiều năm hoạt động, đến nay tổ có 49 thành viên vay vốn với dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng, gồm 10 chương trình vay: hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm,...
Theo ông Hòa, nhờ đồng vốn vay ưu đãi này, hàng năm số hộ nghèo của ấp giảm đáng kể, đến nay nhiều gia đình đã thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Trên là một số gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trong hàng chục ngàn hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Trong 20 năm qua, NHCSXH thực hiện cho hơn 917.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; góp phần giúp cho 79.761 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho gần 90.000 lao động; giúp cho hơn 73.000 học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; gần 261.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 6.400 căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và hơn 7.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; xây mới và sửa chữa gần 100 căn nhà xã hội; cho hơn 18.000 lượt dự án/hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh;...
Cùng đóng góp vào công tác giảm nghèo, vốn tín dụng chính sách phủ khắp địa bàn đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Báo cáo 20 năm cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 13 triệu đồng/người năm 2002 lên gần 57 triệu đồng/người năm 2021; giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 xuống còn 2,01%, đời sống Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng cải thiện.
Thông qua tín dụng chính sách, nguồn vốn vay được đầu tư duy trì, phát triển nghề ở làng nghề truyền thống. |
Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, trong những năm qua các chương trình và khối lượng tín dụng do NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội ngày càng tăng. Sau 20 năm, chi nhánh đã triển khai cho vay thêm 14 chương trình tín dụng chính sách mới, nâng đến nay 17 chương trình tín dụng chính sách.
Tổng dư nợ của chi nhánh đến nay đạt 2.661 tỷ đồng với 90.202 hộ vay, tăng 2.591 tỷ đồng (gần 37 lần). Trong đó, tổng dư nợ thông qua ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội là 2.617 tỷ đồng với 90.016 hộ vay qua 2.272 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo ông Hà, tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 2.690 tỷ đồng, tăng 2.611 tỷ đồng. Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cơ cấu tăng trưởng có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện- thị- thành ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Từ 2015 đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh và cấp huyện và các tổ chức đã ủy thác cho NHCSXH 178,6 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng đặc thù của địa phương.
Các chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phục hồi phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống,...
Sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, có thể khẳng định rằng Nghị định 78/2002/NĐ-CP là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Các chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự đi vào cuộc sống người dân.
“Chiếc phao cứu sinh” góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: Các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là “Chiếc phao cứu sinh” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm, học tập hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Những mục tiêu trong giai đoạn tới là: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm trên 8%. NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng các đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,43 %/tổng dư nợ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch, duy trì hàng tháng; luôn tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH tại điểm giao dịch xã. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin