Có 847 người- gần 50% chỉ tiêu năm 2022 đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ) trong 7 tháng qua, cho thấy công tác XKLĐ đã dần quay trở lại "nhịp" như trước.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đến dự ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022, tham quan gian hàng xuất khẩu lao động. |
(VLO) Có 847 người- gần 50% chỉ tiêu năm 2022 đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ) trong 7 tháng qua, cho thấy công tác XKLĐ đã dần quay trở lại “nhịp” như trước.
Tháng 7/2022, các đơn vị chức năng trong tỉnh đưa 192 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Như vậy đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đưa được 847 người đi XKLĐ (đạt 49,82%).
Trong số XKLĐ, lao động đi theo kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm 18 người, đi theo các đơn vị khác tại các huyện là 829 người. Đã có 2.140 lao động vay vốn hơn 93 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm, trong đó có tham gia XKLĐ.
Ngày 23/7, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp công ty, doanh nghiệp tổ chức hội thảo triển khai chương trình du học vừa học vừa làm và chương trình làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho người lao động.
Tại đây, các đơn vị giới thiệu chương trình du học vừa học vừa làm tại các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc; đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Em Như Quỳnh (ngụ Phường 5, TP Vĩnh Long) cho biết: “Em và gia đình đến để tìm hiểu, nắm thêm thông tin về chương trình du học vừa học vừa làm tại Nhật Bản để sau khi tốt nghiệp có thể định hướng tương lai”.
Đối với lao động XKLĐ trở về, đã đạt hiệu quả kinh tế và cơ hội việc làm cũng được mở ra. Anh Nguyễn Ngọc Thân (SN 1990, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) đi XKLĐ tại Nhật Bản được 5 năm, trở về địa phương.
“Sau quá trình đó, nay tôi xây dựng được căn nhà khang trang cho cha mẹ, bây giờ ưu tiên là có công việc ổn định tại tỉnh”- nam thanh niên 32 tuổi nói khi đang phỏng vấn tuyển dụng vào một công ty 100% vốn Nhật Bản đóng tại Khu công nghiệp Bình Minh.
Cũng đã đi XKLĐ ở Hàn Quốc 10 năm với nghề cơ khí, anh Phạm Chí Thông (SN 1988, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) hiện làm công tác tư vấn, hỗ trợ XKLĐ tại một công ty ở TP Cần Thơ. “Tôi thấy nhu cầu XKLĐ vẫn cao, nhiều bạn, nhiều em hiện tại có mong muốn như tôi hồi trước”- Thông nói.
Ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, cơ hội đi làm việc, thực tập sinh, du học nghề ở nước ngoài đang dần rộng mở. Đó là cơ hội cho những ai muốn có kiến thức, trải nghiệm môi trường làm việc mới và thu nhập cao.
Ông Hiển cho biết vừa xây dựng được gần 100 cộng tác viên tại các địa phương để phối hợp đồng hành với trung tâm, là cơ sở để đơn vị có các định hướng đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và du học vừa học vừa làm.
Theo ông Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác XKLĐ có nhiều khởi sắc. Ông cho rằng, sở và các ngành liên quan cùng các địa phương đang nỗ lực cho công tác này để tỉnh hoàn thành kế hoạch đưa 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2022.
Cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động XKLĐ, sở phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với người lao động ở nước ngoài trở về địa phương.
Một số định hướng nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác XKLĐ thời gian tới là: Các ngành liên quan, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, tác phong tốt, đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ; thường xuyên cập nhật nhu cầu mới về việc làm của các nước để có điều chỉnh phù hợp với ngành nghề.
Đồng thời nghiên cứu, vận dụng các chính sách để hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có chỉ tiêu, kế hoạch định hướng thị trường, chính sách sử dụng lao động sau khi hết hợp đồng trở về nước để sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động làm việc ở các nước.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin