Má Hai tên thật là Huỳnh Thị Phú (SN 1931, tại ấp Hiếu Kinh A nay là ấp Hiếu Liên, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm). Về với má Hai, chúng tôi như được sống lại những ngày lịch sử, hào hùng, oanh liệt của các thế hệ cha ông đấu tranh chống Mỹ cứu nước, qua những lời kể, những câu chuyện trải lòng của má.
Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phú. |
(VLO) Má Hai tên thật là Huỳnh Thị Phú (SN 1931, tại ấp Hiếu Kinh A nay là ấp Hiếu Liên, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm). Về với má Hai, chúng tôi như được sống lại những ngày lịch sử, hào hùng, oanh liệt của các thế hệ cha ông đấu tranh chống Mỹ cứu nước, qua những lời kể, những câu chuyện trải lòng của má.
Một ngày cuối vụ lúa Đông Xuân, tôi có dịp về với mảnh đất “chòm dừa” quê má- nơi từng trải qua một thời “mưa bom bão đạn”, nơi mà “sự sống và cái chết kề nhau trong gang tất”, “tháng 2, tháng 3 ra ruộng bom đạn xới đất lên như máy cày”.
“Thà chết chứ không đầu hàng nghen con!”
Má Hai có chồng và ba người con tham gia cách mạng. Chồng má là liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Khi đồng đội tập kết ra Bắc, ông Nguyễn Văn Hưng được cử ở lại để nằm vùng gầy dựng lại cơ sở cách mạng.
Lúc đó, ông giữ chức Trưởng Phòng Huấn luyện của Quân khu 9, “bộ đội đi tới đâu huấn luyện tới đó”. Trong những lần về luyện quân ở mảnh đất “chòm dừa” ông bén duyên và lập gia đình với cô thôn nữ. Ông và má Hai sinh được sáu người con.
Gia đình có truyền thống cách mạng, với bao thế hệ tham gia kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ cứu nước. Chồng hy sinh. Các con lớn lên là đi theo cách mạng nối gót cha ông. Năm 1965, khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang trong giai đoạn bị phá sản, chúng bắn phá tàn sát, không phân biệt vùng dân sinh hay là vùng giải phóng, kể cả mảnh đất “chòm dừa”.
Đôi mắt đượm buồn, ngấn lệ, má Hai kể cái ngày mà ba sắp nhỏ ra đi. Đó là lúc 11 giờ ngày 10/1/1965, máy bay bắn phá dữ dội, ông bị bắn chết giữa ruộng. Lúc ấy, bảy má con ôm nhau trốn ở dưới hầm. Thằng Út chỉ mới 2 tháng tuổi.
Bọn lính đóng quân lại nên tới chiều má mới đưa được chồng vô nhà. Ông bị trúng đạn sau lưng. Má và các con phải lấy bông gòn nhét vào vết thương để cho ổng được lành lặn khi mất,… Không riêng gia đình má, mà ở xóm “chòm dừa” có khi “bảy, tám người hy sinh cùng lúc”.
Cha hy sinh. Ở độ tuổi 14- 15, thằng Hai, thằng Ba, thằng Năm lại nằng nặc đòi má cho đi bộ đội. Lúc đó tụi nó không biết sợ gì hết, đứa nào cũng gan dạ giống hệt như ba nó. Đứa nào ra đi má đều dặn “thà chết chứ không đầu hàng nghe con!”. Thằng Út lúc đó mới 3 tuổi mà cũng muốn được như các anh, nói “khi nào lớn con cũng đi bộ đội nghen má”- má Hai cười hiền.
Vào lúc 10 giờ ngày 10/3/1972, Nguyễn Văn Son- Tiểu đội trưởng du kích xã Hiếu Thành, người con trai thứ hai của má Hai hy sinh trong trận đánh ở Đìa Dứa (ấp Trung Hòa, xã Trung Hiếu, nay là xã Trung An, huyện Vũng Liêm).
Nhìn di ảnh của con, mắt má Hai rưng rưng, kể: “Thằng Hai bị lính bộ binh vây, bắn chết giữa ruộng”. Nó được đồng đội đưa về tới nhà má khoảng 9 giờ tối. Lúc đó mấy má con đang ngủ, nghe tiếng gọi mà tui như chết lặng. Nó được đồng đội tẩn liệm trước sân nhà. Cái hàng bằng cây cồng tạm bợ, có 2 bộ đồ, không chiếu chăn gì hết…
Là hậu phương vững chắc
Ngày đó, xóm “chòm dừa” dân ít, nhà thưa, chỉ những gia đình có người thân theo cách mạng mới bám trụ lại, còn không thì người ta tản cư lên miệt Đồng Tháp, An Giang. Bởi mảnh đất “chòm dừa” hứng bom đạn rất ác liệt vì nằm giữa hai tầm đạn pháo của địch ở đồn Thầy Phó (xã Hựu Thành) bắn xuống, đồn Càng Long bắn lên.
Trong lúc chồng và các con tham gia cách mạng, với quyết tâm “một tấc không đi, một li không rời”, má Hai kiên quyết bám đất, giữ làng, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng. “Nhà có 5 công ruộng, một năm chỉ làm một vụ, đông con, nhiều hôm thiếu gạo ăn, má phải gửi các con về nhà bên ngoại ăn ké. Nhưng con nít trong xóm lớn lên theo cách mạng, người ở nhà thì nuôi người đi”- má Hai chia sẻ.
Biết bao lần má Hai cưu mang, nuôi giấu bộ đội tại mảnh đất “chòm dừa”. Má Hai nhớ lại: Lúc 2 giờ sáng ngày 14/10/1973, địa phương quân huyện Vũng Liêm khoảng 30 người do chú Ba Trực làm đại đội trưởng về ghé nhà má họp, chuẩn bị đánh đồn Tư Dân (ấp Hiếu Kinh B, xã Hiếu Thành). Má nấu cơm, làm gà, vịt cho bộ đội ăn. Khi nghe anh em bàn phương án hậu cần nhưng “sáng mai mình không còn gạo nấu”, má vội ôm hũ gạo ra, lấy khăn túm cho mỗi người một túm.
Cảm động trước những tình cảm thân thương, ai đến nhà được má Hai cưu mang cũng đều xin gọi tiếng thân thương là “má”. Có người nằm dưỡng thương ở đây lâu ngày má nhận làm con nuôi. Ai cũng nói “má ơi, cho con làm con của má để con đỡ nhớ nhà”.
Năm 1970, gia đình má Hai mở tiệm tạp hóa nhỏ, thật sự chỉ là ngụy trang để chèo ghe ra chợ mua pin về cho bộ đội “đánh mìn”, mua thuốc tây về chữa thương cho bộ đội, chứ cái xóm này thời đó vắng tanh, buôn bán được mấy người đâu.
Má Hai nhớ như in một ngày giữa tháng 2/1972, pháo binh của địch bắn phá dữ dội, ở đất “chòm dừa”. Má đưa ba đứa nhỏ xuống ghe chèo lên Nhà Đài (xã Hiếu Thành, nay là xã Hiếu Nhơn) để gửi nhà người quen tạm lánh giặc. Khi đi ngang qua đồn Đình Đôi bị giặc truy xét, phát hiện tờ giấy khen của người con thứ hai má để ở dưới ghe, lính bắt đánh đập, buộc khai cơ sở cách mạng. Không khai, chúng bắt má giam 15 ngày ở khám Vũng Liêm. Lúc đó, má gửi mấy đứa nhỏ cho người quen, mấy anh em nó về đi vay mượn 5 chỉ vàng và bán 2 con heo nái để chuộc má về.
Năm 1973 má cùng bà con tham gia biểu tình, đấu tranh trực diện với địch, với yêu cầu địch ngừng bắn phá ở vùng dân sinh, vùng giải phóng, để bà con an tâm làm ăn, sinh sống. Một lần nữa, má bị bắt giam ở khám Càng Long 20 ngày. Khi được thả về, má Hai tiếp tục nuôi chứa cán bộ và là hậu phương vững chắc cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Để có được cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, các thế hệ cách mạng đã phải đánh đổi máu xương. Những thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh, các chị, các mẹ như một cội nguồn của niềm tin, lòng tự hào và sức mạnh, để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Ngày 20/6/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Huỳnh Thị Phú. Trước đó, ngày 14/3/2014, mẹ Huỳnh Thị Phú cũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Bài, ảnh: HỮU THOẠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin