Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách

11:07, 19/07/2022

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín đến 100% xã- thị trấn của huyện Tam Bình, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với vốn vay kịp thời, thuận lợi. 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện đã giúp cho hơn 23.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, để từ đó hàng ngàn hộ thoát nghèo.

 

Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư kịp thời, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư kịp thời, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín đến 100% xã- thị trấn của huyện Tam Bình, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với vốn vay kịp thời, thuận lợi. 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện đã giúp cho hơn 23.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, để từ đó hàng ngàn hộ thoát nghèo.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tam Bình Nguyễn Hoàng Minh Luân, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn và phát huy hiệu quả. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhẫn (ngụ ấp Danh Tấm, Hậu Lộc) là hộ mới thoát nghèo. Năm 2020, bà Nhẫn liên hệ với Hội Nông dân xã Hậu Lộc để vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tam Bình, đầu tư mua bò giống nuôi. Vốn vay trên cùng vốn nhà, bà có được 2 con bò thịt và 2 con bò nái chuẩn bị đẻ.

Bà Nhẫn cho hay, “nguồn kinh tế từ mấy con bò” đã góp phần tăng thu nhập gia đình, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hơn nữa, từ nguồn vốn vay và chí thú làm ăn, bà đã có động lực hơn để mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tiếp sau đó.

Tính đến nay, huyện Tam Bình đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được hơn 82.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, doanh số cho vay đạt hơn 989 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 612 tỷ đồng. Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2022 đạt trên 341 tỷ đồng, tăng gần 333 tỷ đồng (gấp 40 lần) so với dư nợ khi thành lập.

Hộ Nguyễn Văn Lẳm (ngụ ấp Tường Nhơn, Tường Lộc) cũng khai thác hiệu quả khá tốt từ đồng vốn vay tín dụng chính sách. Tháng 5/2021, ông Lẳm đã liên hệ với Tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở để đăng ký vay vốn theo chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm 50 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng dưa lưới. Dịch bệnh COVID-19 khiến việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng, ông cho đây là cách khả thi để có thể cải thiện điều này. Hiện tại, dưa lưới của gia đình ông đã thu hoạch và có nguồn thu nhập ổn định.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Lan thì vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để trồng rẫy và mở rộng nghề đan thảm lục bình. Đến nay, nhà chị trồng rẫy được 9 năm và 7 năm làm nghề đan lục bình. Nguồn thu nhập từ “đồng áng, đan đát” trên, vợ chồng chị Lan nuôi 2 con ăn học tốt, gia đình nhiều năm liền được xét đạt chuẩn gia đình văn hóa. Qua nhiều năm làm ăn chắt chiu dành dụm, gia đình chị xây dựng căn nhà khang trang, mua sắm dụng cụ nghe nhìn, phương tiện đi lại. Chia sẻ niềm vui, chị chỉ biết “hướng tới tiếp tục trồng rẫy cộng với mở rộng tổ đan thảm lục bình- những nghề mà mình đã chọn khởi đầu cơ nghiệp cho tới hôm nay”.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã duy trì và phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã duy trì và phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay đơn vị đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 341 tỷ đồng với gần 15.000 khách hàng đang vay.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Tam Bình đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...

Vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện giải quyết và thu hút việc làm cho trên 15.000 lao động; hơn 10.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 35.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 2.000 ngôi nhà cho hộ nghèo... Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh