Nguồn tín dụng chính sách- "cần câu" giúp người dân tăng thu nhập

05:07, 26/07/2022

Ông Cao Lê Hoàng Nguyên- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Hồ, cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

(VLO) Ông Cao Lê Hoàng Nguyên- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Hồ, cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Điểm bán dừa của hộ anh Quang ở Khóm 2, thị trấn Long Hồ.
Điểm bán dừa của hộ anh Quang ở Khóm 2, thị trấn Long Hồ.

Tận dụng “cần câu” vươn lên thoát nghèo

Theo NHCSXH huyện Long Hồ, từ nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi, kịp thời.

Đến nay đã có 16.987 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp trên 6.561 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm trên 15.975 lao động; 3.580 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 36.785 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.138 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ sống trong vùng thường xuyên ngập lũ...

Đến 30/6, huyện Long Hồ có 284 tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả trên 112 ấp- khóm thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác với tổng số 11.930 thành viên, bình quân mỗi tổ có 42 thành viên. Qua kết quả rà soát, phân loại tổ TK&VV có: 245 tổ xếp loại tốt (chiếm 86,3%), 33 tổ khá (chiếm 11,6%), 6 tổ trung bình và không có tổ TK&VV xếp loại yếu kém.

Từ năm 2013, hộ anh Võ Văn Tám (ở ấp An Hiệp, xã Long An) thuộc diện hộ cận nghèo, được xét cho vay 15 triệu đồng đầu tư bán tạp hóa, nhờ sử dụng đồng vốn hiệu quả, năm 2018 được nâng mức cho vay 45 triệu đồng nuôi bò sinh sản.

Đến năm 2020, từ thu nhập buôn bán tạp hóa và chăn nuôi gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Anh mạnh dạn xin vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo mở rộng nuôi bò sinh sản; nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách và chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình anh Tám ngày càng khấm khá hơn.

Tương tự, hộ gia đình ông Lương Sơn Bá (ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu) thuộc diện hộ cận nghèo vay vốn 50 triệu đồng để cải tạo vườn xoài và hiện 3.000m2 xoài đang cho trái. Đến nay, nhờ vào đồng vốn tín dụng chính sách gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng xoài, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.

Tận dụng tốt nguồn vốn tín dụng chính sách 30 triệu đồng, hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Quang (ở Khóm 2, thị trấn Long Hồ) kinh doanh mua bán dừa và quán giải khát.

Đặc biệt, cơ sở chuyên mua bán sỉ và lẻ dừa sáp đặc sản Trà Vinh, trên mỗi trái dừa được dán nhãn “Ngọc” với đầy đủ thông tin cơ sở của chị và cách bảo quản, chế biến…

Nhờ đó, khách hàng yên tâm mua sản phẩm đảm bảo chất lượng. “Nguồn vốn tín dụng đã giúp tôi có đồng vốn xoay vòng mua bán dừa thuận lợi hơn”- đại diện hộ cho biết.

Bà Trần Thị Tám- Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Khóm 2, thị trấn Long Hồ, cho biết hộ anh Quang- chị Quý là một trong số hơn 55 hộ vay vốn của tổ TK&VV sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích, hàng tháng trả lãi vay và tiết kiệm đầy đủ.

Tín dụng chính sách đã kịp thời giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách có được nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi, mua bán phát triển kinh tế gia đình. Các thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động của tổ, cùng giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Ông Hoàng Nguyên cho rằng: kết quả đạt được trong triển khai thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế- xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.

Tín dụng chính sách tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.
Tín dụng chính sách tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đến cuối năm 2021 xuống còn 1,97%, hộ cận nghèo xuống còn 3,05%, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

“Với phương châm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, việc cho vay thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch xã… Hoạt động của NHCSXH trong những năm qua đã được sự đồng tình, hưởng ứng rất cao của Nhân dân.

Đồng thời cũng góp phần nâng cao vai trò kiểm tra kiểm soát thông qua sự điều hành của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác của các tổ TK&VV thông qua việc bình xét công khai, dân chủ”- ông Hoàng Nguyên cho biết.

Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn cho vay đạt trên 334,6 tỷ đồng, tăng gấp hơn 28 lần so với thời điểm NHCSXH huyện mới đi vào hoạt động. Thời gian qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng, đã và đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự đa dạng từ Trung ương đến địa phương, tỷ trọng đóng góp vào nguồn vốn cho vay của nguồn vốn địa phương ngày càng tăng lên, nhất là nguồn vốn ngân sách UBND huyện Long Hồ ủy thác qua NHCSXH để cho vay.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh