Phân loại rác thải

03:07, 27/07/2022

Nghị định 45 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực từ ngày 25/8 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 triệu đồng.

(VLO) Nghị định 45 của Chính phủ “quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” có hiệu lực từ ngày 25/8 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 triệu đồng.

Theo Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Nhiều người ủng hộ xử phạt các hộ gia đình nếu không phân loại rác nhưng cần có hướng dẫn cụ thể để người dân nắm bắt.

Bên cạnh, nhiều ý kiến cho rằng muốn phân loại rác tại các hộ gia đình thành công thì cần đầu tư từ khâu thu gom, tập kết, vận chuyển đến các nhà máy xử lý rác. Để rác thải trở thành tài nguyên thì phải có một hệ thống thu gom, tái chế, xử lý hiện đại. Ngoài ra, việc tuyên truyền không nên nói nhiều đến xử phạt mà phải tập trung hướng dẫn để người dân “thuộc bài”, hiểu rõ nguồn lợi của rác như tài nguyên để phân loại, thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường- Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8 tới không có nghĩa là áp dụng để xử phạt luôn. Lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024. Hiện Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại rác. Sau khi có ý kiến của các địa phương, Bộ Tài nguyên- Môi trường mới ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác, địa phương dựa vào tình hình thực tế, tiếp tục xây dựng chi tiết để thực hiện.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh