Lo lắng, bất an trước tình trạng sạt lở tại cồn Sừng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng, nhiều người dân tại đây mong muốn ngành chức năng quan tâm, sớm có biện pháp khắc phục sạt lở về lâu dài để đảm bảo an toàn, an tâm sản xuất.
Nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm khiến người dân lo lắng. |
Lo lắng, bất an trước tình trạng sạt lở tại cồn Sừng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng, nhiều người dân tại đây mong muốn ngành chức năng quan tâm, sớm có biện pháp khắc phục sạt lở về lâu dài để đảm bảo an toàn, an tâm sản xuất.
Mỗi năm sạt lở mỗi tăng
Men theo con đường đan nhỏ ngoằn ngoèo cặp sông Hậu, anh Nguyễn Phương Đông- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Mỹ Thới 2 (xã Mỹ Hòa) dẫn chúng tôi đến xem một số điểm sạt lở trên đoạn bờ bao này.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số đoạn đường, sạt lở đã ăn sâu vào khoảng 1/3 tấm đan, một số đoạn xảy ra hàm ếch, sụp đan, lở đất… Người dân và địa phương cũng đã cắm biển báo nguy hiểm, cảnh báo sạt lở để người dân đề phòng.
Anh Đông cho hay: Tuyến đường đan này có 630m giáp với sông Hậu. Đây là tuyến đường quan trọng “huyết mạch” của người dân trong ấp. Lo nhất là vào mùa này- mùa nước nổi lại mưa bão. Đoạn đường này công nhân, học sinh, người dân, vận chuyển bưởi rất nhiều nên khi sạt lở nhiều đoạn, bà con rất lo.
Chú Nguyễn Văn Ba- 70 tuổi, nhà cặp đường đan cho hay: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi mà chừng 5 năm trở lại đây, cồn Sừng sạt lở nhiều lắm, nhất là vào mùa gió Nam. Hễ lở đoạn nào là bà con trong ấp cùng địa phương gia cố đến đó mà vẫn sạt lở hoài, mỗi năm mỗi lở mà sạt lở ngày càng nhiều hơn. Hiện tại, một số đoạn chân đất rất yếu, đi lại mà phập phồng lo sợ”.
Có đoạn sạt lở vừa mới gia cố xong trước nhà, chị Lê Thanh Thủy lo lắng: “Vô mùa mưa là rầu dữ lắm. Mấy lần trước sạt lở, “bức” đi nguyên hàng 20 trụ trồng thanh long, mấy đợt sóng mạnh, tôi lo nước tràn vào 5 công vườn. Đoạn này mà lở thêm là tiêu hết vườn cây ăn trái. Tôi phải gia cố thêm, cạp đất dằn chân đường đan để phòng sự cố xảy ra”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho hay: Xã Mỹ Hòa có 15km giáp sông Hậu và 15km giáp sông Đông Thành. Khoảng 3- 4 năm trở lại đây, do tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu và con người khai thác tài nguyên thiên nhiên (cát sông) nên trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra sạt lở.
Trong đó, đáng lo là cồn Sừng mỗi năm đều xảy ra sạt lở. Tuy được gia cố thường xuyên nhưng gia cố điểm này lại sạt lở điểm khác hoặc sạt lở chính nơi đã gia cố.
Mới đây, cũng đã xảy ra sạt lở bờ bao nghiêm trọng tại cồn Sừng: đoạn 1 từ cầu Rạch Tranh đến vàm sông Hậu dài 350m; đoạn 2 từ hộ Lê Hoàng Ân đến đập Đuôi Cá dài 550m phạm vi công bố 900m, ảnh hưởng 100 hộ dân, 60ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, còn có nhiều đoạn sụp lở hàm ếch, ăn sâu vào đất 3- 4m. Bên cạnh đó, xã cũng vừa gia cố xong một đoạn sạt lở nguy hiểm tại vàm Mỹ Khánh 2 với 200m.
Đoạn đường được cảnh báo sạt lở nguy hiểm. |
Mong sớm có đê bao
Theo ông Mạnh, nguyên nhân gây ra sạt lở là do đặc điểm tự nhiên với địa chất tuyến đê bao cồn Sừng chủ yếu là đất pha cát, tính liên kết kém, lại chịu tác động thường xuyên của sóng, gió và dòng chảy làm cho mái bờ và bờ bao bị xói, sạt lở nghiêm trọng. “Nhiều đoạn rất hẩm, đe dọa đến an toàn, sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân nơi đây. Hiện địa phương đã thông báo, cắm biển báo sạt lở để người dân biết, đảm bảo an toàn”- ông Mạnh cho biết thêm.
Nhiều bà con tại cồn Sừng bày tỏ mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người dân. Bởi gia cố chỉ là biện pháp tạm thời, gia cố xong lại sạt lở tiếp đoạn khác nên người dân rất lo. Anh Đông, bày tỏ: “Năm nào cũng lở, từ vài chục đến vài trăm mét, mà gia cố hoài không xuể. Người dân nơi đây mong muốn ngành chức năng quan tâm, sớm đầu tư đê bao kiên cố để người dân an tâm”.
Đoạn đường được cảnh báo sạt lở nguy hiểm. |
Ông Mạnh cho biết thêm: “Thời gian qua, người dân cũng đã nâng cao ý thức, chủ động phòng chống thiên tai và nhuần nhuyễn thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai. Theo đó, ngay sau khi xảy ra sạt lở, ngành chức năng, địa phương, cùng người dân đã thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, huy động lực lượng gia cố điểm sạt lở tạm thời để người dân lưu thông.
Đồng thời, tiếp tục khảo sát, rà soát lại các đoạn sạt lở, xuống cấp để gia cố kịp thời. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương kiến nghị sở, ngành quan tâm hơn, sớm có biện pháp hỗ trợ, sớm bố trí vốn đầu tư đê bao để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân”.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin