Đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập trọn vẹn gần nửa thế kỷ qua, nhưng chắc chắn rằng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn đâu đó; đặc biệt, với nhiều gia đình đã nối tiếp nhau nhiều thế hệ lên đường và cũng có biết bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hoặc để lại một phần máu thịt của mình ở đó.
(VLO) Đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập trọn vẹn gần nửa thế kỷ qua, nhưng chắc chắn rằng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn đâu đó; đặc biệt, với nhiều gia đình đã nối tiếp nhau nhiều thế hệ lên đường và cũng có biết bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hoặc để lại một phần máu thịt của mình ở đó.
Vẫn còn đó, những đôi mắt ngóng trông người thân mình được “trở về” với quê hương, gia đình, người thân ruột thịt.
Chiến tranh càng lùi xa, nỗi đợi mong càng trở nên mòn mỏi, tắt dần những niềm hy vọng, nhất là đối với các Mẹ khi có người đã gần trăm tuổi. Có Mẹ cũng khi nhớ, khi quên, nhưng mỗi khi nhắc về những ký ức xa xưa, nhắc về những người con thân yêu thì hẳn các Mẹ luôn khắc sâu trong tâm trí, trong trái tim mình.
Câu chuyện càng lùi xa, không có nghĩa nó sẽ mờ phai, mà càng làm đầy thêm ý nghĩa cao quý của sự hy sinh, càng được tôn lên giá trị không gì sánh được với những tháng ngày bình yên, trong một đất nước thống nhất trọn vẹn của hôm nay và mãi mãi về sau.
Nên điều này, càng được nhắc nhở và lan tỏa đến mọi người, những thế hệ mai sau lòng biết ơn vô hạn với những cống hiến, những mất mát trải qua nhiều thế hệ, trải khắp đất nước mình trong suốt những năm tháng đau thương, tàn khốc của chiến tranh.
Mỗi người dân Việt Nam, dù cho là những người trẻ, được sinh ra và lớn lên sau những cuộc chiến tranh chống giặc thù xâm lược của cha ông mình, thì cũng đều ý thức được giá trị của một công dân của một đất nước độc lập trọn vẹn lãnh thổ và đang trên đường phát triển ngày một thịnh vượng, phồn vinh.
Và đó cũng là trách nhiệm của những lớp người hôm nay, mỗi người ở vị trí, vai trò của mình, cố gắng học tập, cố gắng làm việc, cống hiến hết mình có thể, cũng là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với những lớp người đi trước, những anh hùng đã hy sinh, hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.
Tháng bảy, những nén nhang thành kính, những ngọn nến tri ân đã được thắp lên trên từng ngôi mộ, từng nghĩa trang liệt sĩ, là biểu hiện của lòng biết ơn vô hạn đó.
Những đoàn thể, ban ngành, những tổ chức, cá nhân với những cuộc viếng thăm, chăm sóc các Mẹ, các gia đình có công với cách mạng, là những thể hiện rõ nét nhất của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Lòng biết ơn, những hành động tri ơn là câu chuyện thường trực, xuyên suốt; nhưng tháng bảy là dịp để cùng nhau cả nước tiếp tục làm lan tỏa tinh thần nhân văn này đến mọi tầng lớp, đặc biệt là những người trẻ sẽ là lớp người tiếp nối câu chuyện này, đạo lý này cho mãi đến tương lai về sau.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin