Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).
Dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc cho trẻ em là cách tốt nhất để phòng, chống bạo lực trẻ em. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG) |
Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).
Năm 2022, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, người chăm sóc trẻ cũng như các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương trong thực hiện những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả trước các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Gia đình phải thực sự là mái nhà bình yên và yêu thương của trẻ
Các đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, bạo lực gia đình đã và đang là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam ngay cả trước khi có đại dịch Covid-19 và có xu hướng tăng trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Một đánh giá nhanh do Liên hợp quốc hỗ trợ về tác động của dịch Covid-19 với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã xác nhận rằng, hơn một phần ba phụ nữ (37,8%) đã chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm, hành vi hoặc kinh tế do chồng hay đối tác của họ gây ra.
Về bạo lực đối với trẻ em, cứ ba trẻ em lại có hai trẻ phải gánh chịu một số hình thức bạo lực trong thời kỳ Covid-19 (73,4%).
Sự gia tăng các vụ xâm hại trẻ em, thậm chí còn nhiều hơn trong thời gian phong tỏa do dịch Covid-19, báo hiệu nhu cầu cấp thiết đối với người lớn, người thân trẻ em và hàng xóm cần có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực...
Năm 2021, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 600 nghìn cuộc gọi đến, trong đó đã tư vấn hơn 30 nghìn ca (tăng gần 6.000 ca so năm 2020), hỗ trợ, can thiệp hơn 1.000 ca.
Các ca cần tư vấn, can thiệp phần lớn liên quan bạo lực trẻ em, nguyên do từ người thân trong nhà chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm tới 72,8%, tăng 5,3% so năm 2020.
Còn theo số liệu báo cáo của Bộ Công an cho thấy, đã xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 trẻ em trên toàn quốc, giảm 31 vụ so với năm 2020.
Phó Cục trưởng Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, năm 2021, có gần 2.000 vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực được phát hiện, xử lý, giảm khoảng 1,6% so với năm liền trước.
Tuy nhiên, đã xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Thí dụ như, vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở tỉnh Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị “người tình” của bố bạo lực ở thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị “cha dượng” bạo hành, đóng đinh vào đầu...
Các vụ bạo hành trẻ em, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga, phần lớn vẫn xuất phát từ quan niệm “thương cho roi cho vọt” của phụ huynh và không phải ai cũng có kỹ năng trong giao tiếp với con cái.
Năm 2021, đợt dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách thời gian dài, nhiều người phải làm việc ở nhà, hoặc mất việc làm, kéo theo những áp lực về kinh tế cũng khiến bạo lực gia đình gia tăng...
Phụ huynh quan tâm chăm sóc con trẻ là một trong những cách tốt nhất phòng, chống bạo lực trẻ em.(Ảnh THANH TRÚC) |
Và một trong những nguyên nhân sâu xa, là những người làm cha, làm mẹ, mỗi người đều ít nhiều đặt kỳ vọng vào những đứa con của mình, tạo “áp lực” vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, những mong muốn ước mơ riêng.
Đã có không ít đứa trẻ đang giữ trong mình tâm sự như “em mong bố mẹ không ép con trong học tập, thay vào bố mẹ nên lắng nghe và giúp mình sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với mình”, hay “con đã cố gắng rồi mà điểm vẫn không được như mong muốn của bố mẹ, có cách nào để bố mẹ không đặt áp lực không ạ?” của những đứa trẻ giấu tên chia sẻ trong một tọa đàm trực tuyến “Ước mơ của con-Kỳ vọng của bố mẹ”.
Phó Vụ trưởng Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý cho rằng, việc cha mẹ đặt kỳ vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: “Hiện nay trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm.
Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu...”.
Hãy lên tiếng...
Có thể thấy, mặc dù hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện đã tương đối toàn diện, nhưng những vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em đau lòng vẫn âm thầm diễn ra và chỉ đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng xã hội mới biết.
Viện trưởng Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng, thực tế có thể thấy quan niệm “đấy là chuyện trong nhà” để bảo nhau vẫn còn mạnh.
Vì thế, đôi khi chính người thân trong gia đình chưa phát huy vai trò hay trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em. Nhiều gia đình phát hiện ra thì vẫn nghĩ rằng cần “đóng cửa bảo nhau”, nếu mình báo cáo thì lại ảnh hưởng và tổn thất đến chính người nhà của mình cho nên đã che giấu, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc.
Chúng ta chưa ý thức được việc trẻ em cần được bảo vệ toàn diện cả về thể chất và tinh thần; và nếu chúng ta không can thiệp được trong gia đình thì cần phải báo cho cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý...”.
“Chúng ta đang thiếu những thiết chế giám sát cũng như bảo vệ các em hiệu quả nhất về cả mặt pháp lý cũng như sự giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ chăm sóc các em”-đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Theo ông Hùng, cần tăng cường sự giám sát; giúp đỡ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em trong những gia đình có hoàn cảnh.
Đối với các em đó thì trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn, của đoàn thanh niên, hội phụ nữ của các tổ chức chăm sóc bảo vệ trẻ em kịp thời nắm bắt được hoàn cảnh của các em.
Đồng thời, phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm, xâm phạm đến quyền của trẻ em.
Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp thời gian qua.
Chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi mới giải quyết, mới can thiệp.
Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, việc giải quyết can thiệp của các cơ quan chức năng, đặc biệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em là rất kịp thời, nhưng công tác phòng ngừa cần quan tâm nhiều hơn nữa.
“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”-đây chính là thông điệp được truyền đi trong Tháng hàng động vì trẻ em năm 2022.
Để thông điệp này không chỉ là khẩu hiệu và thật sự có hiệu quả, nhằm giảm các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em thì mỗi cá nhân và toàn xã hội hãy lên tiếng và hành động bằng cách gọi ngay đến đường dây nóng của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hay tố giác đến cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em gần nhất mỗi khi phát hiện, nghi ngờ có hành vi xâm hại, bạo lực trẻ.
Theo NHẬT ANH/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin