Người lao động mong ổn định việc, thu nhập đảm bảo đời sống

Cập nhật, 11:18, Thứ Sáu, 06/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Người lao động (LĐ) luôn mong mỏi, tăng lương tối thiểu vùng để nâng thu nhập, ổn định đời sống.

Công nhân trong một công ty may mặc Khu công nghiệp Hòa Phú.
Công nhân trong một công ty may mặc Khu công nghiệp Hòa Phú.

Mong tìm việc gần nhà

Nguyễn Lý Bình (SN 2000, ở TX Bình Minh) học hết lớp 12 thì đi làm lao động tự do, thu nhập hàng tháng 4- 5 triệu đồng. Thanh niên 22 tuổi này kể gọn chuyện mưu sinh chừng 4 năm qua từ ngày bắt đầu bước vào đời như vậy.

Đi “cà phê việc làm” cùng với mẹ mình và cho biết: “Em lên đây để nhờ giới thiệu công việc làm. Em muốn được nhận vào làm công ty may ở TX Bình Minh để gần nhà và có mức lương hàng tháng tầm 6 triệu đồng”.

Chị Phùng Thị Cất (SN 1983, ở huyện Tam Bình) cũng được chồng chở lên... uống “cà phê việc làm”. Làm nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh trong công ty bao bì, mấy tháng trước chị xin nghỉ việc, hưởng bảo hiểm thất nghiệp và... để dành thời gian cho gia đình.

Ngồi cạnh, chồng chị Cất bảo “nhà tui tính vậy, làm cũng lâu rồi, về để nghỉ dưỡng một thời gian và giờ thì thư thả rồi, chúng tôi muốn đi làm lại”. Anh chồng làm nghề lái xe thuê đã ổn định, cũng muốn vợ mình dịch chuyển về quê, gần nhà để tiện đi lại, chăm lo cha mẹ, con cái.

Mong muốn được nâng lương sắp tới là mong mỏi của nhiều người LĐ nhằm đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, sinh hoạt trong lúc giá cả ngày một tăng cao.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở TP Vĩnh Long) kể hiện tại đang làm việc tại một công ty may mặc, lương thưởng cơ bản đã được doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, mong muốn chung của nhiều người LĐ là “làm sao tăng lương, tăng ca hợp lý để tăng thu nhập, ổn định đời sống”.

Thu hút, giữ chân lao động

Theo ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh: “Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đã làm rất tốt các quy định về LĐ, tăng ca dựa theo tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp và người LĐ.

Hiện các doanh nghiệp đã áp dụng tăng ca theo đúng quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và phục hồi sức LĐ cho người công nhân”. Ông cho biết, tâm tư, nguyện vọng của người LĐ hiện nay là được nâng lương tối thiểu vùng.

Bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- nhân sự Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp có trên 2.600 LĐ.

Doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về luật, đồng thời thường xuyên khảo sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người LĐ nhằm đưa ra các giải pháp tốt nhất, hài hòa giữa doanh nghiệp và người LĐ.

Vẫn theo bà Hằng, hiện tại người LĐ rất mong mỏi và phấn khởi trước thông tin đươc nâng lương tối thiểu vùng vào tháng 7 tới.

Trong khi đó, tình hình cạnh tranh LĐ với các chế độ đãi ngộ được nâng cao, nhất là LĐ ngành may mặc. “Có thể thấy các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm đến các chính sách, ưu đãi để thu hút người LĐ, để họ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”- quản lý nhân sự này nói.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng LĐ của tỉnh năm nay khoảng 35.000 người (LĐ phổ thông 28.000 người, LĐ có chuyên môn 7.000 người). 

Đánh giá bước đầu, sự dịch chuyển LĐ giữa các địa phương sẽ tăng lên, lực lượng LĐ tiếp tục được bổ sung cho thị trường là sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp; cùng một lượng không nhỏ người LĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường LĐ.

Tuy nhiên, dự báo tình trạng mất cân đối cung cầu LĐ sẽ còn tiếp tục diễn ra, nguồn cung LĐ chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và sẽ có cạnh tranh trong chính sách tuyển dụng.

Vì vậy các doanh nghiệp cần có chế độ chính sách thu hút, giữ chân LĐ, chú trọng tạo việc làm bền vững cho người LĐ. Đây là một trong các giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, hiện có 47.488 người LĐ làm việc trong các doanh nghiệp, tăng 4.180 người so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chủ yếu LĐ trong nước 47.228 người, tăng 4.190 người; LĐ người nước ngoài 260 người.

Bài, ảnh: MINH THÁI- KHÁNH DUY