Trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của Nhân dân, Chính phủ, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Những kết quả đạt được phần nào đã tạo điều kiện cho người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của Nhân dân, Chính phủ, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Những kết quả đạt được phần nào đã tạo điều kiện cho người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tinh thần đoàn kết, chia sẻ nhau trong khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 đã góp phần ổn định đời sống Nhân dân. (Ảnh minh họa) |
Tích cực hỗ trợ các đối tượng
Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung; các quy định của UBND tỉnh về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đạt kết quả tích cực.
Theo đó, các địa phương đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc nhằm giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Từ đó, chỉ đạo bộ phận chuyên môn tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết, đa phần chính xác, đúng đối tượng. Việc tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết và việc nắm bắt dư luận trong Nhân dân cơ bản được thực hiện tốt.
Ông Trần Công Khánh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: “Với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến nay huyện đã cơ bản thực hiện kịp thời các gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”. Theo đó, 4.316 lao động tự do đã được hỗ trợ với số tiền trên 10,1 tỷ đồng; hơn 4,1 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.397 hộ kinh doanh. Đồng thời, theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, huyện tổ chức hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách… từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Phòng chống COVID-19”, nguồn gạo hỗ trợ từ quỹ dự trữ quốc gia và các nguồn vận động hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.
Phó Chủ tịch UBND phường Cái Vồn (TX Bình Minh)- Nguyễn Lưu Ngọc Truyền cho biết, UBND phường đã chỉ đạo kịp thời thực hiện hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do, người bán vé số dạo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động. Cụ thể, đã chi hỗ trợ cho 764 lao động tự do, người bán vé số với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, trong đợt 2, huyện đã thực hiện chi trả cho 46 lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền hơn 110 triệu đồng. Chị Châu Lệ Tâm (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: “Thời điểm dịch bệnh khó khăn, vợ chồng tôi không đi làm thuê được. Nhận được tiền hỗ trợ của địa phương, tôi mừng lắm vì đỡ đần gạo muối cho gia đình”.
Ngoài ra, với tinh thần tương thân tương ái, các địa phương đã huy động rất nhiều nguồn lực trong Nhân dân để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh như hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho người nghèo, công nhân lao động, người dân khu vực bị phong tỏa… Nổi bật, UBND huyện Bình Tân đã vận động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, rau, củ, quả… cho 7.512 người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị các phần quà lên đến trên 8 tỷ đồng. Các tổ nấu cơm hỗ trợ cho các chốt kiểm soát dịch, các điểm cách ly, trung tâm y tế trên địa bàn huyện với tổng số 34.720 phần cơm với tổng số tiền trên 514 triệu đồng.
Tiếp tục đồng hành cùng người dân
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như việc chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 còn chậm so với thời gian quy định, nhất là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Một số lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng lại bán hàng rong ở địa phương khác nên khó khăn trong công tác thẩm định đối tượng. Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội nên một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, thống kê, rà soát, lập danh sách, họp xét còn chậm, trùng đối tượng và phải rà soát bổ sung nhiều lần…
Tại đợt giám sát kết quả triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức, bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ- Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa- xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lưu ý các địa phương phải nêu rõ nguyên nhân việc hỗ trợ chi trả cho các đối tượng theo quy định còn chậm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực tế xem người dân có nhận được đúng số tiền hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- Lê Thị Lệ Uyên lưu ý các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng hỗ trợ đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, tránh sai sót... Ngoài ra, cần kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 (ngoài các chính sách của Trung ương và UBND tỉnh); thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được hỗ trợ và quan tâm nắm bắt dư luận trong Nhân dân về kết quả thực hiện chính sách.
BT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin