Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, được nêu tại hội nghị triển khai các chính sách tín dụng hôm 18/5.
|
Cùng nguồn vốn Trung ương theo Nghị quyết 11, vốn ủy thác từ địa phương kịp thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: TL |
Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, được nêu tại hội nghị triển khai các chính sách tín dụng hôm 18/5.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã ban hành ngay kế hoạch triển khai thực hiện chương trình này.
Tổng nguồn vốn cho vay trong 2 năm 2022- 2023 của các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 là 38.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 19.000 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho vay đối với các chương trình tín dụng: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nhà ở xã hội; học sinh, sinh viên mua máy tính; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Đồng thời hỗ trợ lãi suất 2 %/năm trong 2 năm đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6 %/năm và được NHCSXH giải ngân giai đoạn 2022- 2023 với tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất là 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận- Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, đến nay, NHCSXH đã huy động vốn được 2.600 tỷ đồng; đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 đạt trên 2.335 tỷ đồng. Trong đó gồm cho vay: hỗ trợ tạo việc làm 2.033 tỷ đồng (giải quyết việc làm cho trên 58.000 lao động); học sinh, sinh viên mua máy tính gần 155 tỷ đồng; mua, thuê mua nhà ở xã hội 140 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 7,6 tỷ đồng.
Tại Vĩnh Long, cùng với nguồn vốn Trung ương theo Nghị quyết 11, tỉnh đề ra giải pháp tăng cường nguồn vốn ủy thác địa phương góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Qua tổng hợp, nhu cầu vốn tín dụng chính sách trong 2 năm 2022- 2023 là 570 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm đa số với 550 tỷ đồng.
Theo ngành chức năng, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người lao động tỉnh hồi hương từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về địa phương trên 40.000 người. Vì vậy nhu cầu vốn để giải quyết việc làm tại chỗ là rất lớn. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh ban hành Đề án cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2021- 2025; và đặc biệt ban hành Đề án cho vay hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời chỉ đạo các huyện- thị- thành xây dựng đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết 11. Từ những đề án trên, 2 năm qua ngân sách tỉnh, huyện đã ủy thác qua NHCSXH 80,8 tỷ đồng (năm 2021 là 21 tỷ đồng, năm 2022 là 59,8 tỷ đồng).
Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long- thực hiện Nghị quyết 11, đến nay vốn Trung ương giao là 37 tỷ đồng (cho vay giải quyết việc làm 30 tỷ đồng, vay nhà ở xã hội 5 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính 2 tỷ đồng). Đồng thời, nguồn vốn địa phương theo Nghị quyết 11 của tỉnh, huyện ủy thác qua NHCSXH đến nay là 21,8 tỷ đồng.
|
Một hộ sản xuất kinh doanh vay vốn tín dụng chính sách để sửa sang lại sạp hàng và bổ đồ rẫy buôn bán. |
Ông Trương Thanh Hà cho biết thêm, đến nay NHCSXH tỉnh đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đạt 37,5 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương 30,2 tỷ đồng, vốn ủy thác địa phương 7,3 tỷ đồng). Dự kiến trong tháng 5/2022 sẽ giải ngân hết số vốn đã giao để đáp ứng kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, cùng với nguồn vốn từ Trung ương, thì tỉnh, huyện cũng đóng góp một phần trách nhiệm để nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do tác động của COVID-19. Đây cũng là cơ hội để “hồi sức” nền kinh tế, tạo bước đột phá nhằm đẩy mạnh kinh tế hộ kinh doanh cá thể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội toàn tỉnh...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin