Trực tiếp chứng kiến một ngày dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ của các giáo viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (Cơ sở 4, xã Thanh Đức- Long Hồ) để thấy hết bao vất vả, gian lao với sự nghiệp "trồng người" đặc biệt này.
(VLO) Trực tiếp chứng kiến một ngày dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ của các giáo viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (Cơ sở 4, xã Thanh Đức- Long Hồ) để thấy hết bao vất vả, gian lao với sự nghiệp “trồng người” đặc biệt này.
Dẫu vậy, sự tiến bộ của trẻ là liều thuốc quý xua tan đi mọi cực khổ, như ngọn gió mát lành hong khô những giọt mồ hôi mặn xè nơi khóe mắt.
Cô Đoàn Thị Diễm Linh trong một buổi lên lớp với trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ tại Cơ sở 4 thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh |
Cô Trần Thị Nhung- giáo viên ở trung tâm cho biết, từ sáng, các cô đến sớm để lau dọn phòng học, hành lang, sẵn sàng cho việc đón trẻ. Khi trẻ đến, các cô thực hiện rửa tay sát khuẩn cho trẻ và phụ huynh. Dạy trẻ thưa cô, thưa cha mẹ đi học. Hỗ trợ trẻ để cặp xách, nón, áo... vào tủ.
Dạy trẻ tự để dép lên kệ ngay ngắn. Những việc ấy tuy đơn giản nhưng với trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ là cả một hành trình dài để rèn luyện. Do trẻ gặp phải các vấn đề khiếm khuyết, giao tiếp xã hội kém, dẫn đến cản trở ý thức, kỹ năng tự phục vụ cá nhân và tương tác với mọi người xung quanh.
Cô Nhung chia sẻ thêm, ở trung tâm có các phòng chức năng như: Âm ngữ trị liệu, Phòng Can thiệp trẻ khó khăn trong học tập, Giáo dục chuyên biệt và Tâm vận động. Mỗi phòng với nhiệm vụ cụ thể nhưng liên kết nhau trong kế hoạch giảng dạy để can thiệp tốt nhất cho trẻ.
Khi phụ huynh đưa trẻ đến, giáo viên sẽ thực hiện test lượng giá, đánh giá mức độ khuyết tật của trẻ để đề ra phương hướng, nội dung giáo dục.
Đa số trẻ lăng xăng, tăng động, giao tiếp mắt kém, vốn từ hạn hẹp. Mỗi giờ dạy các cô đều phải cố gắng hết công sức để duy trì sự chú ý, tập trung của trẻ.
Bằng sự hoạt ngôn, tinh ý, vận dụng tất cả các giác quan để nhanh nhẹn nắm bắt tâm sinh lý trẻ cùng với tấm lòng yêu thương thì mới gắn bó lâu bền với nghề.
Trẻ vui đó rồi lại buồn ngay. Có lúc bộc phát khóc la, ném đồ, đánh cô, cắn bạn hay vù chạy ra khỏi lớp. Những khi ấy, cô giáo luôn phải quán xuyến, theo dõi kỹ càng để xử lý tình huống ổn thỏa.
Có khi trẻ cứ vu vơ những từ vô nghĩa, lơ đễnh, mông lung, thậm chí tiêu, tiểu không biết gọi cô. Bởi thế, nghề giáo viên đã cực, nghề dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ càng khổ nhọc gấp nhiều lần.
Sau một ngày mệt rã rời, tựa vào bậc thang ngắm nhìn học trò vui chơi ngoài sân, dù trẻ chưa biết cách tương tác nhiều với bạn, còn tùy hứng, ngô nghê nhưng cô Đoàn Thị Diễm Linh vẫn dõi mắt theo cổ vũ trẻ.
Cô chia sẻ: “Thương các em lắm, chúng tôi luôn tự nhủ phải hết lòng dạy dỗ, để xoa dịu khiếm khuyết, giúp các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Thấu hiểu, yêu thương là chìa khóa mở ra cho các em niềm vui, nụ cười, ươm mầm hy vọng”.
Trước hết cần chấp nhận những hạn chế của trẻ để đồng cảm. Có thể từ nhiều nguyên nhân như khuyết tật từ chính bản thân trẻ, môi trường, dạy dỗ sai cách, gia đình ít gần gũi các em...
Khi đến lớp, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, các em vẫn được nâng niu, trân trọng bởi các em không được hoàn thiện như bao trẻ em bình thường khác. Nhưng vẫn có nhu cầu được quan tâm, được đối xử bình đẳng.
Tư vấn, tham vấn tâm lý cho phụ huynh rất được chú trọng. Bởi giàu nghèo, ngành nghề nào, không may con em bị chậm phát triển thì rất khổ tâm.
Vì tốn thời gian, công sức, kinh tế lo cho đứa trẻ. Rồi sự bấn loạn vì áp lực tâm lý tương lai con em mình sẽ như thế nào, ai sẽ đồng hành lo cho các em cả một cuộc đời. Thêm sự tự ti, mặc cảm với mọi người vì có con em bị khuyết tật...
Các cô là người ngoài hướng dẫn phương pháp cho phụ huynh dạy trẻ thêm ở nhà, trao đổi tình hình của trẻ mỗi ngày, còn phải tinh tế lắng nghe, động viên phụ huynh vượt lên nghịch cảnh để là chỗ dựa thiêng liêng cho các em tựa nương vào, bớt đi sự chông chênh, bất hạnh.
Chấp nhận thực tế để vững chãi nối tiếp tương lai, dù gập ghềnh nhưng bằng tình cảm gia đình sẽ dắt dìu nhau từng bước chinh phục những mốc phát triển tiếp theo dù là nhỏ nhất.
Đứa con gái nhỏ phải gửi ông bà ngoại nuôi, chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) bao năm qua vẫn kiên trì chở con gái lớn (6 tuổi) học ở trung tâm.
Chị rưng rưng: “Chồng em đã về quê tìm việc để gần vợ con nhưng ảnh hưởng dịch COVID-19 nên không kiếm được việc, giờ phải lăn lộn tận Phú Quốc kiếm tiền nuôi cả gia đình. Con em đã dần tiến triển, em vui mừng, xúc động vô cùng, an ủi rất lớn cho bao khổ nhọc đã qua”.
Cô Diễm Linh tâm sự, mỗi khi nghe các em nhớ gọi tên mình, nở nụ cười cùng cô, nghe lời cô dạy là hạnh phúc dâng trào.
Công việc trăm bề khó nhưng cô bảo không đáng là gì so với gánh nặng của phụ huynh nên luôn dốc hết tâm tư, chuyên môn, nghiệp vụ, để sau mỗi ngày làm việc luôn tự hào vì sự cố gắng không ngừng, cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo.
Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3) gần kề chính là động lực để Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long phát huy kết nối, lan tỏa sẻ chia đến cộng đồng. Trong đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ lại hăng hái, miệt mài với trọng trách được giao để tăng hiệu quả giáo dục, tạo dựng lòng tin, ươm mầm hy vọng.
Bài, ảnh: THÁI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin