Ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội...
Ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội...
Đây là một trong nhiều mục tiêu, yêu cầu về việc phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm đặt ra hiện nay.
Công nhân, người lao động ngành nghề may mặc (ảnh chụp trước lúc dịch bệnh COVID-19). |
Lao động có việc làm giảm
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, việc làm; thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn; lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Tính đến đầu tháng 1/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm hơn 791.000 người so năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm qua là 67,7%. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.
Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm. Một bộ phận lao động từ thành phố dịch chuyển về nông thôn, từ các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm về các địa phương khác có xu hướng gia tăng, gây mất cân đối cung- cầu lao động cục bộ, dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày; đồng thời, lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới.
Hàng năm, theo khảo sát, trước Tết sẽ thiếu 10% lực lượng lao động và sau Tết số này là 20%. Nhưng năm nay, tỷ lệ thiếu hụt lao động sẽ thấp hơn thông thường bởi sau khi lao động về quê một thời gian dài (do dịch, nghỉ Tết...), họ quay lại nơi làm việc hoặc tìm kiếm công việc mới cộng với các doanh nghiệp hầu hết đều có phương án giữ chân người
lao động...
Trên cả nước tính đến nay, về cơ bản thị trường lao động phục hồi đạt bình quân chung 85%. Và mức phục hồi này thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động mà chỉ đáng lo là thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.
Kỳ vọng khôi phục thị trường lao động- việc làm
Tại Vĩnh Long, tháng 1/2022, khảo sát hơn 150 lượt doanh nghiệp trong ngoài tỉnh thì có 89 công ty, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 14.300 lao động với 85% nhu cầu tuyển là lao động phổ thông. Hàng trăm người lao động đã có việc làm thông qua trung tâm tư vấn giới thiệu gắn với kết nối việc làm.
Đầu tháng 2, anh Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1993) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để thông báo về việc tìm kiếm việc làm là “không có việc làm” để tiếp tục hưởng tháng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trong 4 tháng mà Tâm sau khi nghỉ việc được giải quyết hưởng. Anh Huỳnh Văn Thuận (sinh năm 1983) cũng đến trung tâm với nội dung tương tự để hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3. “Do dịch bệnh nên chưa tìm việc” và vẫn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng những người lao động này mong muốn thông qua trung tâm để tư vấn giới thiệu, kết nối doanh nghiệp để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.
Dự báo năm nay, sự dịch chuyển lao động của các tỉnh khác vào tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, lực lượng lao động tiếp tục được bổ sung cho thị trường là sinh viên tốt nghiệp từ các trường chuyên nghiệp. Nhu cầu tìm việc tập trung vào ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, văn phòng, công nghệ thông tin và truyền thông,... Cùng đó là các chính sách tuyển dụng linh hoạt; có sự cạnh tranh giữa người lao động mới và lực lượng lao động có kinh nghiệm và có nhu cầu thay đổi công việc; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống do nhu cầu lao động tìm việc có xu hướng tăng.
Bước đầu qua đánh giá phân tích, nguồn cung lao động trong năm 2022 khoảng 12.500 người, số lao động có nhu cầu tư vấn tìm việc thông qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm khoảng 4.500 người, và khoảng 5.000 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin