Thời gian qua, cùng với sự đầu tư vốn của Nhà nước, nhân dân 4 xã cù lao của huyện Long Hồ đã tự nguyện gia cố, nâng cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu nhằm phòng ngừa ngập lũ, sạt lở đất. Qua đây, không chỉ giúp người dân chủ động sản xuất, bảo vệ vườn cây ăn trái… mà còn góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Người dân chung tay cùng địa phương đắp đập dã chiến ngăn mặn, trữ ngọt. Ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19 |
Thời gian qua, cùng với sự đầu tư vốn của Nhà nước, nhân dân 4 xã cù lao của huyện Long Hồ đã tự nguyện gia cố, nâng cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu nhằm phòng ngừa ngập lũ, sạt lở đất. Qua đây, không chỉ giúp người dân chủ động sản xuất, bảo vệ vườn cây ăn trái… mà còn góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chủ động bảo vệ sản xuất
4 xã cù lao của huyện Long Hồ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Những năm gần đây, sạt lở liên tục xảy ra đã làm ảnh hưởng đến hàng chục hécta vườn cây ăn trái, cũng như các ao nuôi cá ven sông Tiền. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngân sách nhà nước bị hạn chế, ý thức của người dân trong chủ động thực hiện các biện pháp gia cố đê bao rất đáng được ghi nhận.
Tại xã An Bình, những năm qua luôn xảy ra các điểm sạt lở, gây thiệt hại hàng tỷ đồng/năm. Do ngân sách đầu tư chủ yếu tập trung vào các công trình xung yếu, nên chính quyền địa phương đã thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để phòng, chống thiên tai, đó là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Theo đó, địa phương đã vận động nhân dân tự be bờ, gia cố lại những tuyến đê bao có nguy cơ bị sạt lở để bảo vệ cây ăn trái và ao nuôi cá.
Ông Lê Văn Bé Chính- ấp An Hòa (xã An Bình) cho biết: “Năm nào cũng vậy, tới mùa mưa là vườn nhà tôi bị sạt lở, không ít thì nhiều. Nhà nước chưa có kinh phí đầu tư, nên tôi phải mua cừ tràm, dừa về để gia cố bờ đê, bảo vệ vườn của mình cho ổn định”.
Phát triển kinh tế với nghề nuôi cá và làm vườn, ông Nguyễn Thanh Liêm- ấp An Thuận (xã An Bình) luôn sống trong cảnh “thấp thỏm lo sợ sạt lở”. Ông Liêm cho hay: “Có khi ban đêm đi ngủ, đến sáng dậy là bị mất tiền tỷ vì… lở đất”. Chính vì thế, ông Liêm cùng người dân địa phương rất có ý thức tự gia cố đê bao của mình. Không những vậy, khi xã có hỗ trợ cừ tràm, dừa… để gia cố đoạn đê bao nào là nhân dân trong xóm xắn tay cùng nhau làm và “tất cả anh em ở đây đều rất nhiệt tình”- ông Liêm nói.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra do triều cường dâng cao, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện và chính quyền các xã cù lao đã khảo sát những tuyến đê bao, bờ vùng để có kế hoạch gia cố kịp thời. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các hộ dân đều tham gia nhiệt tình cùng với chính quyền gia cố các đoạn đê bao. Ngoài ra, người dân còn hiến đất, cây ăn trái để Nhà nước gia cố đê bao, bờ vùng bằng phương tiện cơ giới.
Theo Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021- 2025, để xây xã đạt chuẩn NTM về thủy lợi và phòng chống thiên tai thì xã phải có tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động đạt từ 80% trở lên, đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. |
Chung tay phòng, chống thiên tai
Tại xã Hòa Ninh, sạt lở đã làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái của ông Trần Thiện Bé Năm và người dân nơi đây. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng và đem máy móc tới, đồng thời vận động bà con gia cố bờ bao sạt lở. “Tôi rất đồng tình và cùng với bà con ở đây ra sức hỗ trợ, nhờ vậy mà không còn ngập lụt nữa, quá mừng”- ông Năm nói.
“Con đường này bị sạt lở, làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, việc đi lại của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, nay địa phương tổ chức gia cố bờ bao, có anh em tới phụ làm, nhờ vậy mà đường sá đi lại rộng rãi, ai cũng mừng lắm”- bà Lê Thị Nhường- ấp Hòa Quí (xã Hòa Ninh) nói.
Ông Nguyễn Thái Hòa- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh cho biết thêm: Đảng ủy xã tập trung nội lực thực hiện phương châm 4 tại chỗ để vận động nhân dân hỗ trợ kinh phí, tham gia khắc phục đoạn đê bao sạt lở để đảm bảo an toàn trong sản xuất. Rất mừng là nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của bà con nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết: Hiện nay, người dân đã có ý thức cao trong việc gia cố đê bao bảo vệ sản xuất, đặc biệt là ở 4 xã cù lao, hàng năm cứ sắp tới mùa nước nổi là người dân cùng be đắp bờ vùng, bờ đê để hạn chế bị sạt lở và nước không tràn, không ngập, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương.
4 xã cù lao của huyện Long Hồ hiện hơn 6.000ha đất trồng cây ăn trái, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, công tác phòng chống thiên tai, sạt lở luôn cần có sự chung sức, đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân, có như thế mới hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Giai đoạn 2018- 2021, huyện Long Hồ đã đầu tư 67,3 tỷ đồng thi công 74 công trình thủy lợi với tổng chiều dài gần 32,5km, khối lượng đào đắp 128,8m3. Cuối năm 2021, có thêm xã An Bình đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 14/14 xã xây NTM đạt tiêu chí thủy lợi. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin