Hướng tới quản lý tốt hơn chất thải nhựa

09:03, 05/03/2022

Với mục tiêu nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt triển khai thực hiện 2 dự án quản lý và tái chế rác thải nhựa.

 

Tuyên truyền, vận động để hộ dân thu gom, đổ rác thải nhựa đúng quy định sẽ giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Tuyên truyền, vận động để hộ dân thu gom, đổ rác thải nhựa đúng quy định sẽ giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Với mục tiêu nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt triển khai thực hiện 2 dự án quản lý và tái chế rác thải nhựa.

Kết quả bước đầu từ phong trào chống rác thải nhựa

Thói quen sử dụng túi ny lông, đồ dùng nhựa một lần cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa đã và đang là gánh nặng đến kinh tế, cho môi trường cũng như sức khỏe của con người.

Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào này và các văn bản chỉ đạo nhằm quản lý, hạn chế sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Qua triển khai, hầu hết các sở, ban ngành, cơ quan, địa phương bước đầu thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy (trong hội, họp và hoạt động hàng ngày) bằng sản phẩm dễ phân hủy, phân hủy sinh học và có thể tái chế. Bên cạnh đó, ngành chức năng lồng ghép phong trào “Chống rác thải nhựa” vào các phong trào, chuỗi hoạt động hưởng ứng về bảo vệ môi trường. Như: “Tháng hành động vì môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày chủ nhật xanh”, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,... Và triển khai các mô hình, như: Mô hình 3T (tiết giảm- tái sử dụng- tái chế), mô hình “Ngôi nhà chứa rác thải nhựa”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Thùng rác 100 đồng”, “Thùng phân loại rác”,... nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường phân loại, tái sử dụng rác thải trong các trường học, cơ sở giáo dục, y tế, các điểm chợ, điểm dân cư.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cuối năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải rắn ở khu vực đô thị đạt 92,5% (khoảng 211,7 tấn/ngày), tăng 4,5% so với năm 2016 và tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn đạt 75,04% (khoảng 448 tấn/ngày), tăng 15,9% so với năm 2016.

Hướng đến quản lý tốt hơn rác thải nhựa

Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường (trong đó có 70- 90% được tái chế, tái sử dụng); 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom xử lý (trong đó 60% được thu hồi để tái chế, tái sử dụng); 100% chất thải rắn tại các làng nghề phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành các văn bản yêu cầu các ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, vào ngày 4/10/2021, UBND tỉnh phê duyệt dự án điều tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý và tái chế rác thải nhựa và dự án truyền thông nâng cao nhận thức về chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Dự án tập trung điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, tác động của rác thải nhựa đến môi trường, đến hoạt động kinh tế- xã hội của tỉnh và nhận thức của cộng đồng, công tác truyền thông về tác hại của rác thải nhựa; triển khai các hoạt động truyền thông, xây dựng các mô hình chống rác thải nhựa; dự báo khối lượng rác thải nhựa phát sinh và đề xuất các giải pháp quản lý, tái chế rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông “Chống rác thải nhựa” cho tỉnh trong 5 năm tới.

Hai dự án được triển khai từ năm 2021- 2022 với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Kỳ vọng 2 dự án sẽ thúc đẩy công tác quản lý chất thải nhựa nói riêng, quản lý môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh tiến triển tốt hơn và làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhân lực và phương tiện thu gom. Còn ở vùng đô thị, một số nơi ở các hẻm nhỏ trong khu dân cư chưa tổ chức được tổ thu gom rác… Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa và túi ny lông) chưa đạt mục tiêu đề ra. Thói quen sử dụng nhựa dùng một lần và túi ny lông khó phân hủy, không phân loại và xử lý rác còn phổ biến. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nên ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, vẫn còn tình trạng các hộ dân vứt rác xuống kinh, rạch.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh