Y tế cơ sở- "lá chắn" quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân

04:02, 27/02/2022

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần nhất với người dân, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, thì những "chiến sĩ áo trắng" làm nhiệm vụ tuyến đầu này đã và đang phát huy vai trò bảo vệ "sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết". 
 

Nhân viên y tế xã Thiện Mỹ- Trà Ôn nhận thông tin từ người dân.
Nhân viên y tế xã Thiện Mỹ- Trà Ôn nhận thông tin từ người dân.
Y tế cơ sở là tuyến y tế gần nhất với người dân, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, thì những “chiến sĩ áo trắng” làm nhiệm vụ tuyến đầu này đã và đang phát huy vai trò bảo vệ “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”. 
 
Nỗ lực tuyến y tế cơ sở
 
Xác định vai trò y tế tuyến cơ sở có ý nghĩa quyết định trong việc điều trị F0 tại nhà, tỉnh Vĩnh Long đang tăng cường các giải pháp nhằm động viên, hỗ trợ, giúp lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là cánh tay nối dài của y tế đối với người dân.
 
Để đảm bảo chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, Vĩnh Long thành lập hơn 100 trạm y tế lưu động, phối hợp cùng 107 trạm y tế địa phương và gần 5.000 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thực hiện công tác tiếp nhận, phân loại F0 đủ điều kiện để chăm sóc, điều trị tại nhà.
 
Theo đó, lực lượng y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Các lực lượng hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong gia đình và lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng.
 
Khi dịch bùng phát, nhiều tháng qua, lực lượng y tế cơ sở gần như “chạy đua” với công việc khi phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc điều trị hiệu quả, đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân. Một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, truy vết, quản lý, điều trị F0… 
 
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của y tế lưu động chính là đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để quyết định điều trị tại nhà hay điều trị tập trung. Song, một số trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền không chịu điều trị tập trung, nhân viên y tế phải đến tận nhà tư vấn, giải thích nhiều lần.
 
Bác sĩ La Nguyễn Thành Tài- Trạm Y tế lưu động số 4 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Các ca F0 tăng nhanh, áp lực công việc rất nhiều. Có F0 bệnh nền nhiều phải đi bệnh viện nhưng nhà ở sâu trong hẻm, xe cấp cứu không đến được thì đội lưu động phải cố gắng đi cấp cứu cho họ. Có những trường hợp chúng tôi phải ôm bình oxy mà chạy, gọi xe ba gác đưa ra xe cấp cứu. Mình phải cố gắng nỗ lực hết mình để giúp bệnh nhân”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- Võ Trung Sơn cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, lực lượng y tế cơ sở tại địa phương rất vất vả. Cả 15 trạm y tế đều thiếu nhân lực so với biên chế và nhu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch. BCĐ của huyện đã phối hợp với Sở Y tế để bổ sung nhân lực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng tức thì, do đó huyện huy động các ban ngành đoàn thể, tình nguyện viên tham gia để “chia lửa” cùng với các trạm y tế.
 
Hơn 7 tháng nay, trang phục bảo hộ “không lối thoát” luôn đồng hành với các “chiến sĩ áo trắng” như y sĩ Mai Thị Ngọc Phượng- nhân viên y tế Trạm Y tế xã Phú Đức (Long Hồ), chia sẻ: “Áp lực của y tế cơ sở là rất lớn vì số lượng F0 và F1 tại nhà rất nhiều, nên thường làm hết việc chứ không hết giờ. Đôi lúc gặp những trường hợp gian nan lắm, mình nói hết lời nhưng gia đình không chịu đi. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân thì cũng phải chịu khó tới lui thường xuyên động viên để họ đồng thuận. Bởi lẽ, khi bệnh chuyển nặng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm”.
 
“Lá chắn” vững chắc  bảo vệ sức khỏe nhân dân
 
Thời điểm dịch bùng phát mạnh, giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc hơn 80% F0 tại nhà, các trạm y tế đang ngày đêm gồng gánh nhiệm vụ quan trọng. Do đó, việc củng cố và tháo gỡ nút thắt tại các trạm y tế sẽ giúp cho các nhân viên y tế an tâm làm việc, là lá chắn tuyến đầu vững chắc trong bảo vệ sức khỏe người dân.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Thanh Hà cho biết, trong 3 tuần đầu khi thực hiện điều trị F0 tại nhà cũng là thời điểm số ca mắc mới tăng liên tục dẫn đến tình trạng quá tải đối với lực lượng y tế tuyến cơ sở. Có trạm y tế phải phụ trách từ 500- 800 F0, đồng thời các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch cũng còn hạn chế.
 
Trước tình hình này, UBND TP Vĩnh Long huy động thêm các lực lượng từ đoàn thể, y tế học đường để tăng cường thêm 5 trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ, tăng nhân lực ở mỗi trạm lên từ 8- 10 người. Ngoài ra, địa phương cũng xem xét các chế độ chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ, thường xuyên vận động các nguồn để đến thăm hỗ trợ trang thiết bị và các điều kiện để y tế cơ sở yên tâm làm việc.
 
“Sự nỗ lực của lực lượng y tế ở địa phương là rất lớn, họ hoạt động gấp nhiều lần sức lực của mình. Nhiều nhân viên y tế đã ngã bệnh, mắc COVID-19. Song, trước yêu cầu của công việc và nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều người vẫn bám trụ để làm tròn nhiệm vụ”- ông Nguyễn Thanh Hà nói.
 
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất kể ngày hay đêm, nhân viên các trạm y tế xã đảm nhận truy vết F0, F1, lấy mẫu, xét nghiệm... cho người dân. Khi có những ca được cơ quan y tế báo về địa phương hay có người nghi nhiễm, cần điện thoại trạm y tế giám sát thì họ phải ngay lập tức tiếp cận.
 
Ngoài ra, các cán bộ trạm y tế còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Phó trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), tâm sự: “Cái điện thoại luôn kè kè pin dự phòng, vì từ dịch cao điểm đến nay, số máy của tôi là đường dây nóng để bà con trong xã liên lạc khi cần. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu cảm xúc, đội ngũ y tế đều trải qua. Nhiều bà con chưa hiểu, lúc nhiễm bệnh tâm lý bất an, cứ 5 phút, 10 phút gọi hỏi liên tục. Rồi khi test có ca nhiễm, phải đi truy vết, rồi đi tiêm ngừa…”.
 
Nhân viên y tế xã Long An- Long Hồ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà cho người già gặp khó khăn đi lại.
Nhân viên y tế xã Long An- Long Hồ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà cho người già gặp khó khăn đi lại.

Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, tiêm vắc xin ngừa COVID-19; quản lý, truy vết F1, chăm sóc điều trị F0 tại nhà luôn được “các chiến sĩ áo trắng” thực hiện với quyết tâm cao nhất là bảo vệ sức khỏe tính mạng nhân dân. Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, từ 11/2, Vĩnh Long chính thức về vùng xanh, từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường. Tuyến y tế cơ sở thực hiện các công việc thường trực, sẵn sàng hỗ trợ điều trị khi có F0; chương trình tiêm vắc xin cũng được tổ chức xuyên Tết, xuyên lễ…

“Người dân giờ ai cũng 2 mũi vắc xin trở lên. Trường học mở cửa, nhịp sống sôi động trở lại. Nhìn lại thời gian bùng dịch đầy áp lực nhưng đó cũng là động lực để nhân viên y tế chúng tôi thêm trưởng thành, trân quý nghề mình hơn”- chị Hồ Thị Hồng Điệp, y sĩ Trạm Y tế xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh: “Rất trân trọng đội ngũ y tế ở cơ sở, các anh chị làm việc với tinh thần rất cao, không quản khó khăn, vất vả an toàn tính mạng sức khỏe của mình. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thường trực bên mình, nhưng mọi người cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ vì sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Đối với công tác chuyên môn các anh chị thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế… đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng người dân”.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh