Năm 2022, ngành y tế bước sang năm thứ 3 để chống chọi với dịch COVID-19. Trong suốt quá trình đó, sự kỳ vọng của người bệnh, của toàn xã hội đặt lên vai người thầy thuốc. Và với những "blouse trắng" dù có trải qua những lằn ranh sinh tử chỉ được tính bằng giây, bằng phút, tất cả hướng đến một điều duy nhất là mong muốn được nhìn thấy tất cả bệnh nhân (BN) COVID-19 mạnh khỏe, vui vẻ trở về nhà.
Những nhân viên y tế xét nghiệm phải ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi. |
Những “blouse trắng” tuyến đầu
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh và diễn biến phức tạp khó lường, cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch COVID- 19 với tinh thần “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
Bên cạnh mặt trận chiến đấu với vi rút, những chiến binh áo trắng còn đảm nhiệm thêm vai trò của những người thân trong gia đình BN.
Tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Vĩnh Long, họ nhận thấy phần lớn BN COVID-19 là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền lại chưa được tiêm vắc xin, dễ chuyển biến nặng nên bác sĩ đã chia đều ê kíp bác sĩ và điều dưỡng trực để bảo đảm chăm sóc và điều trị cho BN 24/24. Các BN COVID-19 đều không có người thân chăm sóc, mọi việc từ điều trị cho đến chăm sóc BN ăn uống, vệ sinh… đều phải dựa vào sự giúp đỡ của các y bác sĩ.
Các y bác sĩ tại Trung tâm ICU làm tất cả mọi việc có thể để cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. |
Điều dưỡng Lê Mẫn- Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức COVID-19 Vĩnh Long, cho biết mỗi ca trực kéo dài suốt 8 tiếng, trong bộ đồ bảo hộ, anh và đồng đội luôn phải căng mình với từng diễn biến khác nhau, khó lường của từng BN COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong khi đó, cuộc chiến này không biết kéo dài tới khi nào mới kết thúc, cho nên họ phải tiết kiệm mọi thứ, kể cả từng bộ đồ bảo hộ.
“Anh em ở trong đó nóng lắm, khát nước, khô cuống họng nữa, mang găng tay nó cứng hết. Bị mất nước, khả năng di chuyển không linh hoạt, mà mình phải thăm từng BN vì BN suy hô hấp rất nhanh. Sau đó thì cũng quen dần”.
Không gian căng thẳng với ánh sáng xanh đỏ của nhịp sinh tồn, máy thở, tiếng khò của bình oxy hoạt động hết công suất, mà còn có cả những âm thanh ám ảnh mà chỉ có các y bác sĩ mới cảm nhận rõ. Song, tất cả được xoa dịu bởi những bàn tay chăm sóc ân cần của y, bác sĩ.
Có nhiều BN không ít lần đối diện với tử thần tưởng chừng như không thể qua khỏi, nhưng với sự nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ, chắt chiu từng cơ hội, giành giật từng khoảnh khắc để cứu sống BN. Họ luôn tâm niệm rằng, nụ cười và chỉ cần một cái nắm tay của người bệnh đã là hạnh phúc và lời cảm ơn, được họ yêu thích, mong chờ nhất.
“Song, có những BN mình vừa thăm khám, chỉ tầm chục phút sau diễn biến bệnh đã khác, cả ê kíp lại vội vã hồi sức, có những ca bệnh là sản phụ còn trẻ khiến mình bị ám ảnh, vì cả đội đã nỗ lực hết sức nhưng rồi BN vẫn tuột khỏi tay mình…”- TS. bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng- Khoa điều trị tích cực nội khoa, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Trung ương tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Vĩnh Long tâm sự.
Thức thâu đêm điều trị, chăm sóc bệnh nhân. |
Điều dưỡng Bùi Thị Hòa- Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự: “Ngày đầu mới đến, BN tụt huyết áp, tụt o xy, nhiều BN nguy kịch do bệnh nền và phần lớn chưa tiêm vắc xin nên bệnh diễn biến nhanh. Công việc quá áp lực. Bởi chỉ một sơ suất hay mất tập trung dù chỉ tính bằng giây cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng của BN.
Có những trường hợp khi vào viện vẫn nói chuyện vui vẻ, thở tốt nhưng chỉ một khoảng thời gian sau đó BN đã rơi vào nguy kịch khiến tôi khá bất ngờ. Nhưng vài ngày cũng bắt nhịp và quen việc. Có nhiều BN lớn tuổi, ăn uống khó khăn tôi phải đút từng muỗng cháo cho các cụ, trong quá trình điều trị, có cụ đáp ứng tốt, có thể tự thở, xuất viện nên tôi thấy rất vui”.
Tri ân các “blouse trắng”
Trong cuộc chiến không tiếng súng với kẻ thù vô hình mang tên COVID-19 đã và đang có những cống hiến không mệt mỏi của “chiến sĩ áo trắng”.
Họ chạy đua với thời gian, chạy đua với tốc độ lây lan của vi rút để lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Họ cũng là những người có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nếu có sơ suất. Hàng ngày, hàng ngàn mẫu dịch hầu họng được chuyển đến các đơn vị để xét nghiệm khẳng định RT-PCR, tương đương với tối thiểu hàng ngàn người trông ngóng.
Cử nhân Phan Thị Ngọc Thấm (Khoa Sinh hóa- Vi sinh miễn dịch thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Các kỹ thuật viên khi xử lý mẫu sẽ phải ngồi liên tục 8 tiếng, trong bộ bảo hộ bí kín từ đầu đến ngón chân, tập trung cao độ và không được phép xảy ra bất kỳ sai sót nào, bởi thao tác sai dù chỉ một bước nhỏ thì quy trình xét nghiệm cả trăm mẫu sẽ cho kết quả sai. Gần 1 năm qua, đèn của khoa chưa bao giờ tắt”- chị Ngọc Thấm chia sẻ.
Vừa là thành viên BCĐ phòng chống dịch, vừa đội trưởng đội truy vết, bác sĩ Lê Thị Tú Anh-Trưởng Phòng y tế TP Vĩnh Long luôn tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động phòng chống dịch của địa phương.
Không kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin ghi nhận ca mắc COVID-19 là chị cùng các thành viên trong tổ truy vết tiến hành khoanh vùng, truy vết, thu dung điều trị F0 và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở môi trường nguy cơ cao, chị và nhiều đồng nghiệp đã không may nhiễm SARS-CoV-2. Song với tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, chị đã vượt qua dịch bệnh và tiếp tục nhiệm vụ cao cả của mình với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 5 tâm sự: “Có những thời điểm tại BV phải nhận 1.200 bệnh mà y bác sĩ chỉ có hơn 31 người. Chúng tôi làm việc nhiều khi mỗi ngày ngủ 1 tiếng thôi. Hơn 2 tháng mọi người cùng vì trách nhiệm với nghề, chỉ hy vọng góp phần vào công việc chống dịch chung”.
Hơn 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến khó lường, toàn tỉnh có hơn 32.000 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên và nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch nơi tuyến đầu.
Với nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly, thu dung điều trị ca mắc COVID-19 và tiêm vắc xin nâng miễn dịch cộng đồng, tất cả đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực, đồng lòng chống dịch vì sức khỏe nhân dân với quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Thực hiện tốt thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, Vĩnh Long đang tích cực tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng. |
Dự báo năm 2022 dịch COVID-19 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do biến chủng mới xuất hiện. Nhưng với sự đồng tâm hiệp lực, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, của lực lượng tuyến đầu và cả hệ thống chính trị, Vĩnh Long cùng với các địa phương trong cả nước sẽ vững vàng, chủ động, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh Vĩnh Long ghi nhận sự cống hiến hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y bác sĩ ngày đêm chiến đấu để giữ lấy sự sống cho BN. Nhiều tháng dịch căng thẳng, có những lúc các y bác sĩ làm việc trong điều kiện quá tải, một người phải làm việc gấp đôi gấp ba. Gác lại việc nhà, mỗi y bác sĩ đều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh trở lại nhịp sống bình thường mới. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin