Bắt đầu từ năm 1987, chương trình nước sạch nông thôn (NSNT) được triển khai trong điều kiện kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ hỗ trợ tích cực của Trung ương, tài trợ của các tổ chức trong- ngoài nước và nỗ lực của tỉnh, chương trình này đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ đời sống của dân cư nông thôn trong tỉnh.
Trạm cấp nước Hiếu Phụng (Vũng Liêm) có công suất 900 m3/ngày/đêm, cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.600 hộ sử dụng. |
Bắt đầu từ năm 1987, chương trình nước sạch nông thôn (NSNT) được triển khai trong điều kiện kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ hỗ trợ tích cực của Trung ương, tài trợ của các tổ chức trong- ngoài nước và nỗ lực của tỉnh, chương trình này đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ đời sống của dân cư nông thôn trong tỉnh.
Khởi đầu từ những giếng bơm tay
Từ năm 1987- 1997, tỉnh Cửu Long sau đó là Vĩnh Long (từ năm 1992) triển khai thực hiện chương trình cấp NSNT có sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF với loại hình cấp nước chủ yếu là giếng khoan khai thác nước ngầm bơm tay, bể lọc cát chậm, lu xi măng phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó đã khoan trên 3.600 giếng bơm tay công suất khai thác dưới 10 m3/ngày. Tỷ lệ hộ sử dụng NSNT năm 1997 chỉ đạt 15%.
Sự ra đời của Chương trình mục tiêu quốc gia về NSNT giai đoạn năm 1998- 2005 và Chiến lược quốc gia cấp NSNT đến năm 2020 là dấu mốc lịch sử trong phát triển NSNT cả nước và là động lực hỗ trợ tích cực để triển khai chương trình NSNT ở Vĩnh Long. Năm 1999, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao làm chủ đầu tư xây dựng đồng thời quản lý, khai thác vận hành các trạm cấp NSNT do Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Những mô hình cấp nước, khai thác nước đơn giản, nhỏ lẻ đã từng bước được thay thế bằng những trạm cấp nước với công suất cấp nước lớn hơn, công nghệ xử lý chất lượng nước tốt hơn. Chính quyền tập trung đầu tư ngân sách, huy động đóng góp của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, tài trợ của nước ngoài và sức dân cho NSNT.
Mỗi năm, từ các nguồn vốn do Nhà nước và tổ chức hỗ trợ, Vĩnh Long đầu tư từ 50- 100 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng chục trạm cấp nước, kéo hàng trăm ký lô mét đường ống, cùng với xây đúc, khoan, lắp hàng ngàn lu chứa nước, giếng khoan nước ngầm, đồng hồ nước cho hộ dân. Kết quả thực hiện chương trình có thể thấy qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn năm 2001- 2010, nguồn lực đầu tư cho NSNT có sự tăng trưởng đáng kể nhờ tài trợ của các tổ chức quốc tế (của UNICEF, Ngân hàng Thế giới WB, Chương trình viện trợ của Chính phủ Úc…), vốn các tổ chức khác và nhân dân đóng góp.
Trong giai đoạn này, chương trình ưu tiên đầu tư loại hình cấp nước tập trung, chú trọng đầu tư ở các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ, vùng dân tộc, hạn chế phát triển cấp nước nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các loại hình cấp nước nhỏ lẻ vẫn còn được nhiều hộ sống phân tán, hộ ở vùng sâu, vùng bị thiếu nước do hạn, mặn, hộ nghèo... đầu tư để đáp ứng nhu cầu NSNT cấp thiết.
Kết quả cuối giai đoạn này, toàn tỉnh có 128 trạm cấp NSNT (công suất từ 65- 400 m3/ngày/trạm), trong đó trung tâm quản lý 102 trạm, cùng với hơn 52.000 lu xi măng (thể tích từ 1,3- 2m3), 10.100 lu xi măng (thể tích 250 lít), 736 bể chứa nước mưa và lọc cát chậm, khai thác trên 20.000 giếng khoan nước ngầm loại bơm tay, bơm điện. Ở 11 xã có đông người Khmer sinh sống thuộc các huyện: Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình, TX Bình Minh đều có trạm cấp nước tập trung.
Từ khi hạn, mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô năm 2019- 2020, một hình thức cấp NSNT mới ra đời để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân vùng bị ảnh hưởng hạn mặn, đó là bồn, thùng, máy lọc nước mặn thành nước ngọt. Trong năm 2020- 2021, các hộ dân gặp khó khăn được hỗ trợ trên 5.000 bồn, thùng chứa nước (loại 500 lít/bồn), 5 máy lọc nước mặn thành nước ngọt (công suất từ 300- 1.000 lít/giờ, cung cấp nước khoảng 300 hộ/máy) cấp miễn phí nước cho dân theo kiểu “ATM nước”. |
… Đến những nhà máy cấp NSNT quy mô lớn, hiện đại
Giai đoạn năm 2011 đến nay, NSNT được đầu tư tập trung phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là giai đoạn cấp NSNT của tỉnh đang trong xu hướng chuyển nhanh sang cấp nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia.
Những trạm xuống cấp, công suất nhỏ dần được xóa bỏ, thay thế bằng hình thức kết nối hòa mạng đường ống cấp, nâng cấp mở rộng các trạm có công suất lớn (hơn 1.000 m3/ngày/đêm) và công nghệ xử lý nước hiện đại.
Sự thay đổi lớn này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng NSNT tăng nhanh. Cung cấp NSNT được coi là một loại dịch vụ hàng hóa vừa đảm bảo về số lượng cấp nước liên tục, vừa đảm bảo về chất lượng nước cấp đạt QCVN.
Bên cạnh Nhà nước đầu tư, tư nhân cũng tham gia khá sớm vào lĩnh vực NSNT. Đã có 14 tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã…), hộ tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy NSNT. Ngoài ra, các nhà máy nước đô thị trong tỉnh cũng mở rộng cấp NSNT khu vực lân cận.
Từ những giếng khoan bơm tay đơn lẻ, bể lọc cát chậm và lu xi măng chứa nước, chương trình NSNT cùng với chương trình điện, đường, trường, trạm y tế đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn trong tỉnh, nhất là sức khỏe cộng đồng dân cư và vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Bà Lê Thị Kim Anh (69 tuổi, ở ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) nhớ lại, năm 2005 khi trạm cấp nước Trung Chánh đưa vào sử dụng, cuộc sống của gia đình bà có nhiều thay đổi. Bà không còn cảnh phải xách từng thùng nước dưới kinh vừa đục vừa ô nhiễm lên lóng phèn để xài. Giờ thì chỉ vặn vòi là có nước sạch xài thoải mái!
Gần 40 năm qua, công tác NSNT đã đóng góp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong tương lai, theo ông Lương Văn Anh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, ngành cấp NSNT vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long nói riêng phải đối mặt và giải quyết những thách thức gay gắt, như: hạn, mặn, ô nhiễm nguồn nước càng tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước cấp.
Để thực hiện tốt Chiến lược quốc gia cấp NSNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi địa phương phải nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ cấp nước, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt tại những vùng bị nhiễm mặn. Đồng thời thực hiện tốt số hóa, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành, bảo vệ công trình để đáp ứng nhu cầu chất lượng sống của người dân ngày càng nâng cao.
Hiệu quả của chương trình có thể thấy qua tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch qua các trạm cấp nước tập trung, nước sạch đạt chuẩn không ngừng tăng lên: Năm 2005 (5,56%, tương đương khoảng 10.000 hộ dân). 10 năm sau, tỷ lệ này là 60,01% và cuối năm 2021 là 93% (tương đương 210.225 hộ). Đến nay, cả tỉnh có 108 trạm, liên trạm, hầu hết các xã đều có trạm cấp nước sinh hoạt; trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý 94 trạm, liên trạm và 14 trạm cấp NSNT do tư nhân quản lý. Thông qua chương trình tín dụng NSNT (theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ) đã góp phần quan trọng làm gia tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng NSNT. Từ năm 2006- 2019, toàn tỉnh đã có 116.000 lượt hộ vay để xây dựng 210.000 công trình NSNT. |
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin