
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã tác động nhiều đến đời sống người lao động và thị trường lao động, việc làm. Trong bối cảnh đó, sang năm 2022, người lao động đã dần linh hoạt để thích nghi bằng các dự định công việc, ngành nghề cho mình.
![]() |
Người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tìm cơ hội học nghề, tự tạo việc làm. |
(VLO) Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã tác động nhiều đến đời sống người lao động và thị trường lao động, việc làm. Trong bối cảnh đó, sang năm 2022, người lao động đã dần linh hoạt để thích nghi bằng các dự định công việc, ngành nghề cho mình.
Bạn Lê Thị Hồng Ngân (ngụ phường Cái Vồn, TX Bình Minh) là lao động phổ thông, làm việc ở một công ty may mặc ở thị xã hơn 8 năm nay.
Ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bạn nữ 27 tuổi này đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngân kể làm việc và tích lũy được một ít, nay em “sẽ gác lại việc công nhân và đi học nghề nail để tự tạo việc làm cho mình”.
Lớn hơn Ngân 1 tuổi, bạn Nguyễn Thị Thu Thủy từng là công nhân may trước khi đầu năm mới này xin nghỉ việc để... về chăm con nhỏ. Thủy dự định sau thời gian chăm sóc gia đình, sẽ quay lại công việc với nghề cũ hoặc học nghề ngắn hạn để tìm việc làm.
Anh Huỳnh Văn Thuận (sinh năm 1983, ngụ xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) đã làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 30/11 năm ngoái và được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hôm 7/2, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm xác nhận tình trạng chưa có việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời được tư vấn giới thiệu việc làm. “Hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng tôi vẫn theo dõi tìm một việc mới để ổn định hơn”- anh Thuận mong mỏi.
Ghi nhận ngày đầu năm quay lại làm việc, lượng người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thông báo tình trạng việc làm, tiếp nhận tư vấn giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề... khá đông.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long có vai trò kết nối cung cầu lao động và thu thập dữ liệu, thông tin thị trường lao động nhằm kết nối việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đến được với nhau, góp phần điều tiết thị trường lao động trên địa bàn.
Năm 2021, trung tâm đã kết nối 710 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 44.697 lao động; có 12.857 người lao động có nhu cầu tư vấn tìm việc làm, đã giới thiệu việc làm cho 2.778 người lao động.
Qua thu thập thông tin và phân tích thị trường, dự báo thị trường lao động tại Vĩnh Long năm 2022 có những chuyển biến tích cực.
![]() |
Có trường hợp tạm nghỉ việc để chăm lo gia đình, dịch chuyển công việc để ổn định cuộc sống. |
Dịch bệnh COVID-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số, chuyển đổi số, logistics...
Xu hướng này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tận dụng để cơ cấu lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, thông qua kết nối cung cầu lao động đến tháng đầu năm 2022, có 734 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại trung tâm với nhu cầu tuyển dụng hơn 49.000 lao động.
Trên 13.200 người đăng ký tư vấn tìm việc làm (gồm nhu cầu tuyển dụng từ cuối năm ngoái và đăng ký tuyển dụng mới năm nay). Đánh giá bước đầu, năm nay sự dịch chuyển lao động của các tỉnh khác vào tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng cao về số lượng lẫn chất lượng.
Đồng thời, lực lượng lao động tiếp tục được bổ sung cho thị trường là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 35.000 lao động (lao động phổ thông 28.000 người, lao động có chuyên môn 7.000 người).
Để làm tốt vai trò kết nối cung cầu lao động trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác hỗ trợ thị trường lao động như: phối hợp tổ chức ngày hội việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, lưu động; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực.
Cùng với đó, các trường dạy nghề tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội tạo gắn kết nghề nghiệp- việc làm.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin