Ấm lòng những gói an sinh xã hội

Cập nhật, 18:35, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế- xã hội, đời sống bị ảnh hưởng khó khăn. Đối tượng chịu tác động dễ thấy nhất là người lao động tự do, lao động thời vụ, mưu sinh hàng ngày, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
 
Và cũng từ đây, các chủ trương chính sách an sinh xã hội đã được triển khai, thực thi một cách kịp thời, nhanh gọn và hữu hiệu nhất. Trong khó khăn bởi dịch bệnh, chính sách an sinh xã hội càng thể hiện tính cấp thiết và đi sâu đi sát vào cuộc sống.
Ban ngành và đoàn thể trao quà hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ban ngành và đoàn thể trao quà hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Phao cứu sinh cho người nghèo
 
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long vào tháng 11/2021 báo cáo, các địa bàn trong tỉnh đã hoàn thành chi trả cho 100% người bán vé số (7.496 người) đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ, tổng kinh phí chi trả theo các đợt giãn cách xã hội là hơn 21,7 tỷ đồng.
 
Đối với lao động tự do (người bán hàng rong; chạy xe ôm; buôn bán nhỏ lẻ, bán đồ ăn vặt không có địa điểm cố định; thu mua ve chai, phế liệu lưu động; bán thức uống nhỏ lẻ tại lề đường, tại các chợ, trước trụ sở các cơ quan, trường học), cũng đã được hỗ trợ. Tổng hợp từ các địa bàn cấp huyện, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trình và UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ 26.686 người, với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng và đã chi trả hoàn tất 100% số người được duyệt.
 
Họ là đối tượng lao động tự do bị tác động, ảnh hưởng khó khăn do dịch COVID-19 trực diện nhất. Ông Trịnh Văn Tấn (62 tuổi, ngụ xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) làm nghề chạy xe ôm.
 
Hồi giữa tháng 9/2021, ông kể với chúng tôi đã nhận 4 lần hỗ trợ với 2 lần 700.000đ, 2 lần 500.000đ, tổng cộng 2,4 triệu đồng (tương ứng với các thời điểm giãn cách xã hội). Ông nói: “Công việc không ổn định, những ngày khó khăn phải ở nhà do dịch bệnh, nhận được khoản hỗ trợ kịp lúc như vậy tui mừng lắm”.
 
Cùng với người bán vé số, lao động tự do nhận được sự hỗ trợ khi khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cùng với người bán vé số, lao động tự do nhận được sự hỗ trợ khi khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Một ngày giữa tháng 10/2021, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Hòa (cô Bảy, ngụ xã Long Phước- Long Hồ) dông xe ba gác đạp đi mua phế liệu. Lúc đó, việc mưu sinh của cô đã quay lại với chiếc xe ba gác, bịch ve chai nhưng thêm chai sát khuẩn và chiếc khẩu trang.
 
Cô Bảy kể đã nhận được 4 lần hỗ trợ tiền mặt với 2,9 triệu đồng cho các thời gian giãn cách phòng chống dịch bệnh. Cô Bảy nói còn nhận được hỗ trợ 15kg gạo. Số tiền, gạo đó chính là “phao cứu sinh” giúp cô yên tâm trong thời gian ngồi ở nhà phòng dịch.
 
Cùng với chính sách chung, chính sách của tỉnh còn có hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 13.798 hộ, có tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng (ở 2 đợt giãn cách xã hội). Đồng thời tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 2.103 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn...
 
Đảm bảo an sinh để thúc đẩy phát triển
 
Ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tinh thần là cấp huyện sau khi rà soát người lao động tự do, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động có hợp đồng mà gặp khó khăn do dịch COVID-19 thì gửi ngay về sở để tổng hợp trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có cụ thể bằng Quyết định 20 của UBND tỉnh dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
 
Các hoạt động kinh tế- xã hội, đời sống của người dân đã dần quay lại “bình thường mới”.
Các hoạt động kinh tế- xã hội, đời sống của người dân đã dần quay lại “bình thường mới”.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao các địa phương đã khẩn trương triển khai các chủ trương chính sách này.
 
Công tác phối hợp giữa ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội và chính quyền địa phương khá nhịp nhàng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải chủ động tìm đến các đối tượng để hỗ trợ, không thụ động chờ đợi. Rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do gắn với vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.
 
Dịch bệnh ảnh hưởng các mặt, nhưng với lao động phổ thông, tự do và yếu thế- họ mong mỏi mấy điều: dịch bệnh mau chóng qua đi và các chủ trương chính sách hỗ trợ an sinh thì cả xã hội cùng chung tay triển khai nhanh và kịp thời, để họ sớm vượt qua hoặc khó khăn được vơi bớt... Nhận được “phao cứu sinh” ấy, đa số người lao động đều cho biết: rất kịp thời và ấm lòng. Đáp lại, họ mong dịch bệnh sớm đi qua, để mỗi người quay lại công việc bình thường như trước, ổn định cuộc sống.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do dịch COVID-19 được hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do dịch COVID-19 được hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia.
 
Trạng thái “bình thường mới” đang dần trở lại, cùng với sự vận động không ngừng nghỉ của các chính sách an sinh để đáp ứng, giải quyết khó khăn tác động xã hội đặt ra, thì hiện giờ một mặt cần ý thức phòng ngừa dịch bệnh của mỗi người, mặt khác cần những sự nỗ lực phấn đấu gấp bội để đời sống, sản xuất đi vào “trạng thái bình thường vốn có”. Điều đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước phục hồi, thúc đẩy phát triển.
 
Tổng số đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do, người bán vé số) nhận được hỗ trợ là 34.182 người, tổng số tiền chi trả 94,7 tỷ đồng. Những nội dung nói trên triển khai theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gói 26.000 tỷ đồng, gồm 12 chính sách hỗ trợ). Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (gói 38.000 tỷ đồng).
Bài, ảnh: MINH THÁI