Đảm bảo lương, thưởng Tết trên tinh thần chia sẻ

11:01, 14/01/2022

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Tình hình tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp phần lớn không tăng so với năm 2020, một số doanh nghiệp có xu hướng giảm, nhưng không có doanh nghiệp nào nợ lương người lao động (NLĐ).

(VLO) Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Tình hình tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp phần lớn không tăng so với năm 2020, một số doanh nghiệp có xu hướng giảm, nhưng không có doanh nghiệp nào nợ lương người lao động (NLĐ).

Không có nợ lương, thưởng xu hướng giảm

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tình hình tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022. Toàn tỉnh có 2.755 doanh nghiệp và 77.166 lao động. Trong đó, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đang quản lý 45 doanh nghiệp với 46.625 lao động (16 doanh nghiệp dân doanh với 5.625 lao động, 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 41.000 lao động).

Theo báo cáo, tiền lương thực trả của doanh nghiệp năm 2021, cao nhất ở doanh nghiệp dân doanh với 90 triệu đồng/người/tháng và kế đến là tiền lương của NLĐ ở doanh nghiệp FDI với 81,5 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương thấp nhất là khoảng 3,6 triệu đồng/ người/tháng.

Còn mức lương bình quân của NLĐ các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước lần lượt là 15,7 triệu đồng và 9,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức lương bình quân ở 2 loại hình doanh nghiệp kể trên. Cũng theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2021 không có doanh nghiệp nợ lương NLĐ.

Riêng về tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2022, có mức thấp nhất là 100.000 đồng/người và cao nhất là 26 triệu đồng/người (đều rơi vào doanh nghiệp dân doanh).

Về tiền thưởng Tết Nguyên đán (dự kiến), thấp nhất là 1 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và cao nhất là 180 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh). Mức thưởng Tết ở 4 loại hình doanh nghiệp nói trên trung bình từ 4,3- 7 triệu đồng/người.

Chị Ánh Phương (Phường 8, TP Vĩnh Long) công tác tại một công ty TNHH MTV cho biết, hàng năm chị và đồng nghiệp được xét thi đua và thưởng theo quy định ở mức 0,3- 1 hệ số lương.

Bên cạnh là quà của công đoàn, ngoài ra còn khoản “lì xì” cuối năm cũ đầu năm mới tùy tình hình kinh doanh của đơn vị. “Cùng với lương, đó là khoản dành dụm chi tiêu dịp Tết”- chị Phương nói.

Trong khi đó, chị Kim Ngân hiện đang làm ở một công ty may lớn ở Khu công nghiệp Hòa Phú chia sẻ, dịch kéo dài đã khiến cho công ty gặp nhiều khó khăn.

“Đến nay công ty mới sản xuất lại nên công nhân mới có việc làm. Do đó, cũng ít trông mong lương thưởng Tết được như mọi năm, chủ yếu có để vui”- chị Ngân nói.

Doanh nghiệp và NLĐ đồng hành, chia sẻ

Theo ghi nhận, hiện tại đa số các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp chưa công bố mức thưởng Tết cụ thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ cố gắng để NLĐ có được phần quà Tết ấm áp.

Theo bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- nhân sự (Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam), hiện đơn vị đang thỏa thuận với NLĐ về mức lương tháng 13 và thưởng Tết. “Doanh nghiệp có quy định nhiều khung thưởng khác nhau.

Nếu như mọi năm, mức thưởng này đã công bố vào khoảng giữa tháng 11 thì đến nay vẫn còn đang thỏa thuận và cơ bản vẫn giữ định mức nhưng sẽ trừ thời gian nghỉ do ảnh hưởng dịch bệnh”- bà Hằng chia sẻ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp, chuyện lương thưởng Tết mọi năm “cũng nhạy cảm” và dễ dẫn đến khiếu nại.

Tuy nhiên, năm nay có một sự chuyển biến tích cực là đa số NLĐ cảm thông cho khó khăn của doanh nghiệp trong lúc dịch bệnh phức tạp. Bởi hầu hết NLĐ mong có việc làm ổn định, lâu dài để trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết cho NLĐ đến ngày 15/1 để tổng hợp.

Cơ bản, đa số doanh nghiệp cho biết vẫn có lương tháng 13, tuy nhiên sẽ chia làm 2 mức nhận là trên 10 tháng và dưới 10 tháng làm việc/năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Tài, tình hình năm nay NLĐ trên tinh thần cũng sẽ “chia sẻ” với doanh nghiệp.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, về cơ bản các chính sách, chế độ tiền lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật được đảm bảo, ngoài tiền lương các doanh nghiệp có thực hiện một số chính sách hỗ trợ bổ sung như: tiền chuyên cần, trợ cấp khó khăn, tiền ăn trưa, gửi trẻ,...

Đến nay, công đoàn cơ sở có phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách tiền lương, tiền thưởng Tết để khuyến khích NLĐ. Báo cáo đến thời điểm hiện tại, trên 60% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ.

Bên cạnh khảo sát nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022 cho NLĐ ở các doanh nghiệp, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, vận động NLĐ cùng chung tay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đề cùng nhau sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi thị trường lao động.

MINH THÁI- KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh