Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), với những cán bộ, viên chức, người lao động được mệnh danh là "người bố, người má" của trẻ thơ mồ côi.
Trẻ mồ côi tại Trung tâm Công tác xã hội trong vòng tay chăm sóc, dạy dỗ của các “bố”, các “má”. |
(VLO) Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), với những cán bộ, viên chức, người lao động được mệnh danh là “người bố, người má” của trẻ thơ mồ côi.
Một tập thể mang nhiệm vụ đặc biệt, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình trước dịch COVID-19 vừa chăm sóc, nuôi nấng, phòng tránh dịch bệnh cho “đàn con” và những người thuộc diện bảo trợ xã hội ở trung tâm.
Họ vẫn ngày đêm miệt mài với chức trách thiêng liêng, không có công sinh thành nhưng nặng ơn dưỡng dục với những đứa trẻ thiếu vắng tình thương ruột thịt. Công việc lặng thầm nhưng đầy tất bật.
Dịch bệnh ập đến, kéo dài dai dẳng càng chất chồng thêm nỗi lo toan, bận bịu. Bởi họ còn gánh thêm nhiều việc trong quỹ thời gian giới hạn.
Để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc nhiều người dễ lây lan dịch bệnh, họ được bố trí làm việc, ngủ nghỉ tại cơ quan. Những kíp trực tăng lên 3 ngày, có khi lên đến 7 ngày rồi thay ca cho nhau. Cứ thế, lẳng lặng hy sinh để chăm lo cho những đứa con khôn lớn từng ngày.
Không như những ngành nghề khác có thể làm việc tại nhà, họ với đặc thù công việc, luôn phải túc trực bên cạnh các con.
Nào là đút cơm, pha sữa, tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh... đến kèm cặp cho các con học online, làm bài tập. Khi có chút thời gian nghỉ ngơi, họ tranh thủ gọi điện về thăm nhà, trò chuyện cùng chồng vợ, con cái. Tôi thấy rõ sự nhớ nhung người thân trong khóe mắt cay đỏ.
Tôi nghe rõ từng lời dặn dò nhau đầy tình cảm: “Vài bữa nữa mẹ về, con ở nhà với cha ngoan, mẹ thương, mẹ nhớ con nhiều!”.
Cùng với đó luôn cần sự đồng hành, san sẻ yêu thương của đơn vị hảo tâm và cộng đồng dành cho các trẻ. |
“Vợ cố gắng làm việc nha, khi nào ra ca trực thì anh rước”... Tiếng trẻ nhỏ mồ côi lẫn vào cuộc trò chuyện: Bố ơi, chơi đá banh với con đi! Má ơi, hát bài Cá vàng bơi cho con nghe với... Họ bất giác mỉm cười hạnh phúc, ôm đàn con trẻ vào lòng nựng nịu.
Bởi ai cũng xem cơ quan là ngôi nhà chung, nơi có đàn con rất cần sự cảm thông, tình thương và trách nhiệm.
Chị Nguyễn Thị Rết- nhân viên chăm sóc trẻ chia sẻ: “Công việc bận rộn, cực nhọc nhưng hàng ngày nghe các con nói cười, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chúng tôi thấy được an ủi nhiều, không uổng tâm huyết vun đắp”.
Bọn trẻ hồn nhiên lắm, luôn khao khát tình cảm. Đối với các em, mỗi một ánh nhìn trìu mến, từng cử chỉ cưng chiều, từng lời nói ngọt trao... dường như quý báu hơn tất cả mọi thứ trên đời vì các em đã sinh ra với số phận bị bỏ rơi đầy bất hạnh.
Các bố, các má suốt ngày nghe “réo” tên, nghe kể lể đủ các chuyện, về con gà, con cá hay khoe con tô màu có đẹp không.
Có khi ỏm tỏi méc nhau vì tranh giành đồ chơi, được bố, được má dạy dỗ anh em “chung nhà” phải yêu thương, nhường nhịn nhau, thế là các bé ôm vai, nắm tay, lau nước mắt dỗ dành nhau đừng giận nữa!
Rồi cứ thế nô đùa hớn hở, bên cạnh là những em bé ngồi trên xe tập đi, miệng bú sữa bình, mắt tròn đen lóng lánh nhìn các anh, các chị chạy nhảy bên sân.
Thương lắm những đứa trẻ khuyết tật hình hài, co rút thân thể, nằm quắp trên giường, mắt lờ đờ, mờ đục, thỉnh thoảng lại rên khóc vì những cơn đau nhức hành hạ.
Mọi việc như ăn uống, tắm giặt, thay tã, thuốc men đều do những người cha, người mẹ thứ hai tại trung tâm săn sóc.
Nhói lòng lắm! Nhưng may mắn, vẫn còn biết bao nhà hảo tâm luôn đồng hành, hỗ trợ, san sẻ yêu thương.
Chị Nguyễn Thị Trúc Linh (Trung Ngãi- Vũng Liêm) vừa gửi tặng các em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo 1 triệu đồng để mua đồ dùng học tập, chị cho biết cảm thấy rất vui, đóng góp của ít lòng nhiều chung tay hỗ trợ các em.
Trung tâm là ngôi nhà thứ 2, mỗi người đều là thành viên trong đại gia đình. Đại gia đình ấy luôn tràn ngập tình thương nhưng sẽ vẫn mãi cần nhiều tình thương hơn nữa trong vòng tay tương trợ của cộng đồng.
Bài, ảnh: THÁI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin