Tư vấn tâm lý học sinh trong dịch COVID-19

04:11, 17/11/2021

Dịch bệnh kéo dài kèm theo đó là thời gian ở nhà, hạn chế ra đường, tiếp xúc với bạn bè, mọi người xung quanh; thêm nữa là việc học trực tuyến trong thời gian dài, đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, tâm lý học sinh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh tại huyện Bình Tân.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Xuân thiếu thiết bị được học ở phòng máy của trường.

(VLO) Dịch bệnh kéo dài kèm theo đó là thời gian ở nhà, hạn chế ra đường, tiếp xúc với bạn bè, mọi người xung quanh; thêm nữa là việc học trực tuyến trong thời gian dài, đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, tâm lý học sinh.

Vì vậy, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông.

Nhận diện tâm lý học sinh

Trình bày chuyên đề “Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID- 19”, cô Hồ Lê Minh Thư- giáo viên Trường THCS thị trấn Long Hồ cho rằng: “Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của các em”.

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, việc học tập trực tuyến đã ảnh hưởng tới tâm lý học sinh. Các em mất tập trung, giảm hứng thú và động cơ học tập. Các em cảm thấy cô đơn, giảm sút các mối quan hệ bạn bè. Sẽ có những biểu hiện như ngại giao tiếp, thu mình hoặc giao du thái quá.

Đối với sức khỏe thì việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử lâu ngày sẽ hại mắt và các bộ phận cơ thể do ngồi lâu, gần màn hình.

Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh kéo dài kèm theo những lo lắng, căng thẳng do lo sợ nhiễm bệnh. Đặc biệt, đối với cái chết của người thân làm tâm trạng một số em bất an, sợ hãi.

Theo cô Thư, phải nhận diện sớm các dấu hiệu trầm cảm ở học sinh để hỗ trợ thấu hiểu các em. “Giáo viên chúng ta nên khuyến khích tham gia các hoạt động của lớp, trường; hướng dẫn các em giữ sức khỏe, lập kế hoạch học tập vừa sức, đồng thời trao đổi với phụ huynh và kết nối chuyên gia tâm lý học đường”- cô Thư trình bày.

Song song đó, giáo viên giao nhiệm vụ vừa sức, giảm bớt các yêu cầu đối với kết quả học tập. Giáo viên và phụ huynh không nên giận dữ, quát mắng hay ép học sinh học tập bằng những lời lẽ gay gắt, giận giữ hay mỉa mai. Cô Thư cho rằng cần “lắng nghe những vấn đề của học sinh, giáo dục theo định hướng cá nhân hóa. Dạy học có tính đến năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của người học”.

Theo thống kê từ đầu năm học này, toàn tỉnh có 29.012 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, có 1.625 hộ nghèo, 4.114 hộ cận nghèo và hơn 22.600 học sinh thuộc đối tượng khác.

Những học sinh thiếu thiết bị học tập cũng có nguy cơ tâm lý do mặc cảm, cần được quan tâm. Có mặt ở phòng máy Trường THCS Vĩnh Xuân từ sáng sớm, em Lê Thị Mộng Trúc- lớp 8/2 đang học online.

Trúc cho biết: “Em không có điện thoại thông minh để học trực tuyến”. Nhưng lo lắng đã được giải tỏa, khi Trúc cũng như những học sinh thiếu thiết bị khác được sử dụng phòng máy tính của trường và được giáo viên hướng dẫn tận tình.

Hỗ trợ “không đường đột”

Cần quan tâm hỗ trợ để học sinh học trực tuyến đảm bảo sức khỏe và tinh thần thoải mái.
Cần quan tâm hỗ trợ để học sinh học trực tuyến đảm bảo sức khỏe và tinh thần thoải mái.

Trình bày trong chương trình tập huấn, Cô Nhan Thanh Thúy– giáo viên Trường THPT Bình Minh cho biết, nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh trong đại dịch có thể tăng cao gấp 5- 7 lần. 

Trong đó, tiếp cận quá nhiều với thông tin không phù hợp trên Internet là một trong những nguyên nhân. Những dấu hiệu biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần ở học sinh như: thường xuyên thay đổi tâm trạng, quá lo lắng, buồn bã hoặc thất vọng, đi ngủ muộn, không muốn thực hiện các hoạt động đã từng yêu thích.

Theo cô Thúy, nguyên tắc và phương pháp hỗ trợ học sinh là không đường đột, ép buộc, chăm sóc và hỗ trợ thiết thực với cuộc sống trên cơ sở đánh giá nhu cầu từng cá nhân. Giáo viên cần hỗ trợ phụ huynh học sinh để đảm bảo bầu không khí gia đình.

Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn ngủ phù hợp với học kỳ. Cô Thúy nhắn nhủ: “Trước khi trở lại trường, cha mẹ dành một thời gian giúp con thích ứng với hoạt động mới ở trường, hiểu đúng tình hình để cảm thấy an toàn. 

Cha mẹ trao đổi trước với con về việc quay trở lại trường sẽ có điều gì xảy ra, con sẽ trông đợi điều gì. Đồng thời, dạy con các câu tự nhủ tích cực, như “mọi chuyện sẽ ổn con nhé. Bắt đầu đi học lại giữa học kỳ cũng thú vị, không phải lo lắng gì đâu”.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể nói cho con hình dung ngày quay lại trường, viết các câu chuyện về ngày quay lại trường sau dịch. Trẻ lớn hơn thì cho giao lưu, chia sẻ với bạn bè về kế hoạch quay lại trường, bên cạnh việc học còn chơi, hoạt động giao lưu với nhau vui thế nào.

Cha mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một sự “lên dây cót” tinh thần.

“Nhớ rằng có những trẻ sẽ gặp khó khăn hơn những đứa trẻ khác. Đó là những đứa trẻ hướng nội. Những học sinh này sẽ cảm thấy bất an hơn khi quay trở lại trường”- cô Thúy chia sẻ.

Nhóm tư vấn tâm lý Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng, cần nới lỏng ở tuần đầu tiên nhập học để cho học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Đừng chăm chăm vào việc đuổi kịp chương trình, phải dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ. Sức khỏe tinh thần của các em thời gian này quan trọng hơn là kiến thức và muốn cập nhật chương trình nhanh thì lúc đầu cứ phải từ từ. Lúc này cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học vào thời điểm bất thường và cách ứng phó. Dĩ nhiên, lãnh đạo nhà trường đảm bảo tuần đầu tiên quay trở lại trường phải cực kỳ an toàn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh