Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vào ngày 23/11/1940 đi vào lịch sử như mốc son chói lọi của dân tộc. Tỉnh Vĩnh Long trong khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những địa phương có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhất. 81 năm trôi qua, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần của cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị, là bài học lịch sử để thế hệ sau tiếp bước xây dựng quê hương.
Đoàn viên thanh niên đến dâng hương tại tượng đài Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao, ôn lại truyền thống hào hùng. Ảnh chụp năm 2020 |
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vào ngày 23/11/1940 đi vào lịch sử như mốc son chói lọi của dân tộc. Tỉnh Vĩnh Long trong khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những địa phương có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhất. 81 năm trôi qua, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần của cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị, là bài học lịch sử để thế hệ sau tiếp bước xây dựng quê hương.
Mốc son lịch sử
Đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sự nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh- thành tại Nam Kỳ, mạnh nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang nhân dân đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bót, tiến đánh và chiếm giữ một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu đường…
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Văn Săn, tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương trổi dậy mạnh nhất và đã thu được nhiều thành quả quan trọng.
Nhân dân nhất tề đứng lên đánh thắng vào sào huyệt, trung tâm đầu não của địch, giành thắng lợi bước đầu, làm chủ quận Vũng Liêm, chiếm giữ huyện lỵ trong 8 giờ, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên nóc trại lính bảo vệ dinh quận. Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long gắn liền với tên tuổi của những nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn Thị Hồng, Võ Văn Kiệt…
Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ ở đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp, Vũng Liêm) còn khắc ghi những dòng chữ:
“Ngày 23/11/1940, nhân dân tỉnh Vĩnh Long kiên cường nổi dậy tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo. Nghĩa quân Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, hạ các đồn: Trung Ngãi, Ngã tư Nhà Đài, Quới Thiện, Nước Xoáy, giành được chính quyền từ quận đến các xã. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Vũng Liêm… Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, toàn quận Vũng Liêm có 37 người bị giết hại, 457 người bị bắt, 159 người bị lưu đày, hơn 300 căn nhà bị đốt, hàng ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất…”
Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.
Cuộc khởi nghĩa đã để lại một trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta; nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau truyền thống bất khuất, lòng yêu nước sâu sắc.
Noi gương anh hùng
Mảnh đất Vũng Liêm anh hùng là quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta. Ngày 23/11/2021, kỷ niệm 81 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa cũng là kỷ niệm 99 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đồng chí Nguyễn Văn Săn kể, sinh thời dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương Vĩnh Long.
Ông thường xuyên về thăm quê, đồng đội cũ, dành nhiều thời gian trao đổi, làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Thủ tướng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng như: Xây dựng các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển TX Vĩnh Long lên thành phố loại III, quy hoạch phát triển TX Bình Minh...
Những việc làm cụ thể như xây tuyến dân cư vùng ngập lũ, chăm lo đời sống đồng bào Khmer, tháo gỡ khó khăn mặt bằng sản xuất và vốn vay, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, phát triển đàn bò thịt, sữa, trồng nấm rơm, quảng bá trái cây đặc sản của tỉnh… rất được nông dân đồng tình hưởng ứng và đem lại những kết quả khả quan.
Cùng với hàng trăm đoàn viên thanh niên đến dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao, bia Nam Kỳ khởi nghĩa, di tích hồ Vũng Linh và Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh Đoàn- Nguyễn Huỳnh Thu bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thế hệ cha anh đi trước.
“Thanh niên Vĩnh Long mãi mãi biết ơn và tự hào về công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phấn đấu, rèn luyện, học tập theo tấm gương Thủ tướng, đặc biệt học tập tinh thần quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sắc, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở… trong công việc. Để ngọn lửa Nam Kỳ 1940 mãi sáng ngời, tiếp bước cha anh, thanh niên không ngừng rèn đức, luyện tài, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tham gia phát triển kinh tế- xã hội”- Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ.
Các em khắc ghi lời căn dặn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chung lòng dựng xây quê hương mình mãi mãi thanh bình và giàu đẹp”. Ảnh chụp năm 2020 |
Mỗi năm, em Hồ Kinh Tế (lớp 12A6) đều cùng các bạn Trường THPT Võ Văn Kiệt đến thăm khu lưu niệm và thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng.
Kinh Tế cho biết: “Em rất tự hào vì mình là người con của huyện Vũng Liêm và theo học ngôi trường mang tên bác Võ Văn Kiệt.Noi theo gương bác, em sẽ cố gắng học tập, sau này có thể cống hiến cho quê hương, như lời bác đã gửi gắm: “Chúng ta tin chắc rằng người Vũng Liêm tự hào về truyền thống vinh quang, càng chung sức, chung lòng dựng xây quê hương mình mãi mãi thanh bình và giàu đẹp”.
Tự hào với vùng đất đã sinh ra những anh hùng, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm- Lê Văn Lập nhấn mạnh:
“Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian tới Đảng bộ, quân, dân Vũng Liêm tiếp tục đoàn kết, tập trung trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Nêu cao ý thức tự lực, tự cường khai thác triệt để thời cơ, thế mạnh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020- 2025… Để xứng đáng là quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa và quê hương của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin