Hôm nay 3/11, 6.980 học sinh (từ 15-17 tuổi) ở các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP Vĩnh Long được tiêm ngừa COVID-19. Việc tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, chống lại sự lây lan của vi rút và là cơ hội sớm được đến trường của học sinh được rộng mở hơn.
Hôm nay 3/11, 6.980 học sinh (từ 15-17 tuổi) ở các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP Vĩnh Long được tiêm ngừa COVID-19. Việc tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, chống lại sự lây lan của vi rút và là cơ hội sớm được đến trường của học sinh được rộng mở hơn.
Công tác chuẩn bị tiêm ngừa COVID-19 tại Trường THPT Vĩnh Long. |
Phụ huynh, học sinh mong chờ
Nhận được tin nhắn Zalo về việc tiêm vắc xin cho học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vào ngày 3/11, cô Võ Thị Ngọc Duyên (Phường 4- TP Vĩnh Long) rất mừng rỡ: “Cô cảm thấy yên tâm hơn và việc tiêm vắc xin là cần thiết để học sinh được trở lại trường. Người lớn trong nhà được tiêm hết rồi, giờ tới con gái lớn, hy vọng bé 8 tuổi cũng sớm được tiêm ngừa để an toàn với dịch bệnh”. Còn con gái cô- em Cao Võ Bảo Châu (lớp 12), cho biết: “Tụi em trông chờ được tiêm ngừa lắm, để sớm trở lại trường học trực tiếp. Năm nay em lớp 12, phải trải qua nhiều kỳ thi, được tiêm ngừa COVID-19 em cảm thấy yên tâm hơn hẳn”.
Em Võ Phương Nghi (lớp 10- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cũng chia sẻ: “Em và các bạn mong được chích ngừa lắm. Dịch bệnh cứ kéo dài mãi, chưa biết đến bao giờ mới hết. Tiêm sớm để tụi em được đến trường thay vì ở nhà học online trước màn hình máy tính. Mẹ sẽ cùng em đến điểm chích ngừa”.
Cô Nguyễn Thị Xuân Dung cũng rất vui khi con gái học lớp 10 Trường THPT Vĩnh Long chuẩn bị tiêm ngừa: “Trường thông báo đăng ký là con đã nôn nao rồi. Tôi còn nhắc con uống thêm nước cam, ngủ sớm để có sức khỏe tốt hơn”. Cô Dung cho biết thêm: “Còn thêm một niềm háo hức với con gái là vào trường mới mà con chưa được học trực tiếp ngày nào. Hơn tháng nay việc học online cũng khá vất vả cho thầy trò!”
Từ ngày 3/11, tiêm ngừa COVID- 19 cho trẻ 12- 17 tuổi
Theo kế hoạch của Sở Y tế, lộ trình tiêm từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế. Dự kiến có khoảng 88.541 trẻ trong diện đối tượng này.
Mục tiêu của ngành y tế là tiêm chủng an toàn, đạt chất lượng và đúng tiến độ. Ngành phấn đấu đạt trên 90% trẻ từ 12-17 tuổi trong các trường học công lập và ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương được tiêm ngừa COVID- 19 (nếu cha mẹ trẻ đồng ý và ký cam kết). |
Chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm vắc xin?
Theo Tiến sĩ bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, loại vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là Comirnaty của Pfizer. Trước khi tiêm, trẻ em cần được giải thích để hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin. Trẻ nên mặc áo ngắn tay hay áo dễ lộ cánh tay khi đi tiêm. Trong quá trình tiêm vắc xin, các em cần tuân thủ theo quy trình một chiều, được hướng dẫn khai báo y tế, khám sàng lọc, ngồi chờ theo thứ tự, theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm và giữ khoảng cách an toàn tại khu vực chờ. Đồng hành với mỗi học sinh đi tiêm chủng là một phụ huynh theo cùng, vừa theo dõi sức khỏe cho con, vừa ký giấy đồng thuận cho các em trước khi vào tiêm.
Thông tin tiêm ngừa được Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi đến phụ huynh. |
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả trẻ em đều được khám sàng lọc trước khi tiêm. Nếu các trường hợp đủ điều kiện sức khỏe sẽ được chỉ định tiêm, còn trường hợp có bệnh nền, dị ứng sẽ được sàng lọc thận trọng. Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng khuyến cáo, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung thêm vitamin C, ngủ sớm nghỉ ngơi trước ngày tiêm, không tự ý ngưng thuốc với trẻ có bệnh mạn tính. Không nên cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Việc dùng thuốc giảm đau hạ sốt cần được cân nhắc lợi ích và tác hại cho trẻ, chứ không nên dùng với mục đích phòng ngừa.
“Dù đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nhưng các bậc phụ huynh vẫn cần lưu ý nhắc nhở con em mình thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để bảo vệ mình tốt hơn trước dịch COVID-19”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Đối với vắc xin Pfizer, thường sau tiêm mũi vắc xin thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1.
Các phản ứng có thể xảy ra các phản ứng khác gặp trên tỷ lệ 1/10 trẻ hoặc 1/100 trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến khác dưới 1/1.000 trường hợp là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm.
Do đó, sau khi tiêm trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin