Thầy trò cùng vượt khó

06:11, 20/11/2021

Hơn 14.500 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên ngành giáo dục Vĩnh Long đang có một ngày Nhà giáo Việt Nam thật đặc biệt! Nhiều trường học vẫn còn là khu cách ly tập trung, thầy cô không đứng trên bục giảng, học sinh không đến trường. Tất cả gặp nhau qua màn hình thiết bị điện tử.

 

Thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn dành tình yêu thương, sự quan tâm cho học trò. Ảnh chụp trước dịch
Thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn dành tình yêu thương, sự quan tâm cho học trò. Ảnh chụp trước dịch

Hơn 14.500 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên ngành giáo dục Vĩnh Long đang có một ngày Nhà giáo Việt Nam thật đặc biệt! Nhiều trường học vẫn còn là khu cách ly tập trung, thầy cô không đứng trên bục giảng, học sinh không đến trường. Tất cả gặp nhau qua màn hình thiết bị điện tử.

Có một ngày 20/11 như thế, nhưng sự tri ân của xã hội đến những người thầy không vì dịch COVID-19 mà ngăn cách.

Một năm thầy trò cùng học thích nghi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh: Xin ghi nhận, biểu dương

Thời gian qua là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với ngành giáo dục. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi hoạt động, thầy cô phải đối diện với những tình huống chưa từng có trước đây, trong cuộc sống cũng như trong nghề dạy học của mình.

Tuy nhiên, bản lĩnh và phẩm chất tuyệt vời của nhà giáo thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Nhiều thầy cô đã xung phong tham gia vào các tuyến đầu cùng với lực lượng công an, quân đội và lực lượng y tế; rất nhiều giáo viên sẵn sàng góp công, góp sức cho công tác phòng chống dịch bằng tất cả tấm lòng. Dù rất vất vả và áp lực nhưng giáo viên vẫn thường xuyên tương tác với học sinh trong các giờ học trực tuyến hàng ngày vừa để truyền đạt kiến thức, vừa để giúp các em bớt cảm giác hụt hẫng vì xa bạn, xa trường; là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng cho học sinh trong suốt thời gian các em không được đến trường.

Tôi trân trọng ghi nhận và tự hào vì các nhà giáo đã luôn lưu giữ, phát huy và làm sâu sắc hơn truyền thống vốn có, làm đẹp hơn phẩm chất của người Thầy, xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021, xin kính chúc cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục luôn mạnh khỏe, bình an, luôn phát huy tinh thần đoàn kết để vượt mọi khó khăn.

Thích nghi với cách học mới là việc cần thiết trong thời gian này và cũng là xu hướng trong thời gian tới. Vì vậy, giáo viên, học sinh không chỉ thích ứng mà còn phải sáng tạo, tìm tòi để có cách dạy dễ hiểu, cách học tốt hơn.

Tại Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vĩnh Ca cho biết: “Một số giáo viên lớn tuổi gặp khó khi tiếp cận công nghệ được các giáo viên tin học, giáo viên rành hơn về công nghệ thông tin hỗ trợ”.

Từ khó khăn, thách thức và lúng túng của những ngày đầu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, giờ đây các thầy cô đã quen và có thể làm chủ việc dạy học bằng hình thức mới, phối hợp tốt với phụ huynh và tương tác tốt với học sinh để việc dạy học hiệu quả hơn. Dù rằng dạy và học trực tuyến đều mới mẻ với cả thầy và trò.

Học sinh không có điều kiện học tốt nhất, học sinh thiếu thiết bị, học sinh phải học nhờ, mạng chập chờn khi học được khi không,… là những băn khoăn với người thầy.Ở các trường vùng sâu, vùng xa việc phấn đấu để tất cả học sinh đều được học là sự phấn đấu nỗ lực của các thầy cô.

Vậy là bằng mọi cách có thể, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn khi toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 hay khi học sinh là F0, F1 ở khu cách ly hay phong tỏa,… thầy cô vẫn tìm mọi cách liên hệ với học trò.

Xã Hựu Thành (Trà Ôn) là vùng giáp ranh, có đến 190 học sinh Trường THPT Hựu Thành có hộ khẩu thuộc tỉnh Trà Vinh.

Để tạo điều kiện cho học sinh học tập, ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp rà soát chặt chẽ, thông tin về thời gian, hình thức học cho các em.

Cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi phối hợp chặt với phụ huynh, quan tâm kết nối, lắng nghe thuận lợi, khó khăn để các em yên tâm học tập”.

Giám đốc Sở GD- ĐT- Trương Thanh Nhuận chia sẻ: “Trong gian khó, rất trân trọng sự tận tâm, trách nhiệm, lòng nhân ái, tình thương yêu thầy cô dành cho học sinh.

Đó là câu chuyện về 18 thầy cô của một trường tiểu học dù bị cách ly tập trung, dù đang lo lắng cho sức khỏe của mình, của gia đình, của đồng nghiệp nhưng vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động dạy học để học sinh không bị mất buổi học nào; cô giáo mượn tiền để mua máy tính để dạy trực tuyến cho học sinh; những thầy cô với mái tóc hoa râm, chưa từng tiếp cận với công nghệ cũng say mê cùng với các thầy cô trẻ chia sẻ những thao tác, kỹ thuật để có được những bài dạy trực tuyến. Qua đó càng thêm gắn kết tình đồng nghiệp”.

Nỗi niềm ngày Nhà giáo “ở nhà”

Không có những buổi họp mặt vui vẻ giữa thầy và trò, vắng bóng những đóa hồng chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, với các thầy cô thì 20/11 năm nay là lớp học trực tuyến với những lời chúc mừng cũng trực tuyến. Những tin nhắn thân thương bằng cả tấm lòng của các em học trò.

Cô Trương Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân), 18 năm gắn bó với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non với biết bao vui buồn, trăn trở của nghề.

Cô Thoa chia sẻ: “Chỉ cần nhìn các con khỏe mạnh, vui vẻ mỗi ngày đến trường, với chúng tôi đó chính là niềm hạnh phúc.

Duy chỉ có 20/11 năm nay, do tình hình dịch COVID-19 nên không tổ chức họp mặt như mọi năm, trường không hoạt động được, cũng không có kinh phí nên năm nay Tết Nhà giáo các cô không có cả bó hoa,…

Nhưng chúng tôi không thấy buồn, không thấy tủi thân, mà sẽ cố gắng hết sức để chung tay cùng tỉnh nhà và cả nước đẩy lùi dịch COVID-19, mong ước cuộc sống bình yên mau trở lại”.

Thầy Bùi Nhật Khoa với những học trò thân thương. Ảnh chụp trước dịch
Thầy Bùi Nhật Khoa với những học trò thân thương. Ảnh chụp trước dịch

Giáo viên trẻ Bùi Nhật Khoa- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân cho rằng trách nhiệm đầu tiên nhận thấy mình cần phải làm, đó là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ giảng dạy trực tuyến trên tinh thần động viên, lắng nghe, chia sẻ và hết mình hỗ trợ học sinh về kiến thức cũng như trong công tác phòng, chống dịch.

“Tôi không ngừng suy nghĩ để làm sao truyền đạt tốt nhất cho các em. Đối với các em học sinh thường xuyên, việc học trực tuyến còn khó khăn hơn.

Tôi luôn thông cảm, động viên và tìm cách dạy phù hợp nhất cho học trò mình, không để các em bị hụt hẫng trong giai đoạn này. Ngày nhà giáo năm nay chắc trong tôi và nhiều thầy cô khác sẽ không bao giờ quên được!”- thầy Bùi Nhật Khoa nói.

Ơn thầy, em xin nhớ mãi

1. Em Nguyễn Anh Tuấn- học sinh Trường THCS- THPT Mỹ Phước (Mang Thít)

Được học tập tại đây, em cảm thấy rất may mắn khi các thầy cô rất tận tụy, nhiệt tình. Người để lại ấn tượng và cảm xúc sâu sắc nhất trong em chính là cô chủ nhiệm- người dìu dắt em từ buổi đầu bước vào trường. Người luôn dành những lời động viên, khích lệ: “Cô trò mình cùng cố gắng học tập nhé”.

Bạn bè trong lớp như anh em thân thiết gắn bó. Và mỗi thầy cô giáo chính là người cha, người mẹ thứ hai, dạy dỗ chúng em từng chút một. Em thầm nghĩ, bản thân cố gắng nỗ lực, chăm chỉ đạt kết quả học tập tốt chính là món quà 20/11 tuyệt vời để tri ơn thầy cô.

2. Bạn Trần Phụng Lan (thị trấn Tam Bình)

Tôi không thể quên hình ảnh người thầy tận tụy đưa đón học sinh đến tới bến bờ trưởng thành. Tôi nhớ mãi lần đi tham quan đầu tiên trong đời được cô giáo tiểu học dắt tay. Hương vị ngọt bùi của ly chè “đậu cao” mà thầy cô tận tay nấu cho học sinh lớp 12 vẫn vẹn nguyên như mới. Đối với tôi, thầy cô không những là người dạy chữ mà còn dạy làm người.

Ngày 20/11 năm nay có phần đặc biệt khi không thể về thăm trường xưa, cùng thầy cô trò chuyện về những kỷ niệm. Bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo. Tôi sẽ nhắn tin kính chúc thầy cô luôn có sức khỏe dồi dào để dìu dắt những lứa học sinh nên người.

TUYẾT NGA (thực hiện)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh