Sớm ban hành chính sách thu hút lao động

03:11, 10/11/2021

Sự bùng phát làn sóng thứ tư dịch COVID-19 đã trực tiếp tấn công vào lực lượng công nhân lao động và các khu công nghiệp, gây hậu quả hết sức nặng nề. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm.

(VLO) Sự bùng phát làn sóng thứ tư dịch COVID-19 đã trực tiếp tấn công vào lực lượng công nhân lao động và các khu công nghiệp, gây hậu quả hết sức nặng nề. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đánh giá sự bùng phát dịch lần này đã tạo ra sự chuyển dịch lao động từ các thành phố lớn trở về quê, làm thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.

Theo báo cáo của Chính phủ, tác động của đại dịch COVID ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động.

Tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

So với quý II, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch COVID tăng thêm 15,4 triệu người. Và trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

Doanh nghiệp thì không thể giữ được lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngoài ra, nguồn cung lao động cho thị trường cũng dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung cầu lao động trong ngắn hạn, khi mà nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi.

Theo đề xuất của đại biểu Quốc hội, để kế hoạch mở cửa trở lại có tính khả thi, cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động, trong đó phải quan tâm tới các giải pháp phòng chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung đông người kết hợp với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ, để họ an tâm quay trở lại làm việc.

Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần điều tra, khảo sát, nắm bắt đúng nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của người lao động và cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời về vấn đề sức khỏe, nhà ở, môi trường, việc làm…

Đồng thời, về lâu dài cần phải nghiên cứu, bố trí lại lao động trong nền kinh tế, kéo giãn các động lực kinh tế về các khu vực lân cận.

Người lao động là động lực tăng trưởng quan trọng và việc ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước. 

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh