
Tiếp nhận nhiều ý kiến từ các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những đánh giá tổng thể "bức tranh" du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19; đồng thời xây dựng lộ trình hồi phục.
![]() |
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. |
Tiếp nhận nhiều ý kiến từ các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những đánh giá tổng thể “bức tranh” du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19; đồng thời xây dựng lộ trình hồi phục.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch bị tác động nặng nề, doanh thu và lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Tại Vĩnh Long, tính cả năm 2020 tổng lượt khách du lịch chỉ đạt 665.000 lượt, giảm 55,5% so với năm 2019; doanh thu đạt 190 tỷ đồng, giảm 335 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch năm). Các cơ sở du lịch, tàu du lịch trong tỉnh đã phải ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách. Đến nay, các cơ sở cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Đối với các vùng cù lao có loại hình du lịch Homestay cũng chịu tác động nặng nề vì không có khách nước ngoài. Tàu du lịch hoạt động chỉ 50- 60% công suất. Các điểm vườn sinh thái còn khoảng hơn 30 vườn, cũng giảm bớt lượt khách do tâm lý e ngại dịch bệnh. Lao động ngành du lịch bị biến động, nhiều lao động phải tạm ngưng công việc, nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian giãn cách, một số đã phải chuyển sang các ngành nghề khác mưu sinh tạm thời, tỷ lệ này chiếm trên 40%. Hoạt động quảng bá xúc tiến bị tác động.
Đầu năm 2021, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt. Khoảng thời gian đầu năm đến cuối tháng 5/2021, du lịch của tỉnh đang có bước phục hồi. Các cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh chỉnh trang lại, tập trung phục vụ du khách trong các đợt nghỉ lễ, cuối tuần, kết nối lại với nguồn khách trước đây, xây dựng sản phẩm mới với các hoạt động trải nghiệm thú vị (trò chơi dân gian có thưởng, thi làm bánh, tour gắn kết di sản Mang Thít), có các gói khuyến mãi quà tặng thu hút,…
Nhưng đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục bùng phát, kéo dài đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến lượng khách và doanh thu của du lịch Vĩnh Long đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Các tàu du lịch hầu như ngưng hoạt động. Các điểm vườn đến mùa trái cây nhưng thiếu vắng khách, khó khăn trong tiêu thụ, số lượng giảm đáng kể.
Nguồn lực về tài chính của các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn, nhân lực phục vụ du lịch tạm ngưng việc và gặp khó trong việc trang trải các sinh hoạt phí hàng ngày, hiện tại nhân lực phục vụ du lịch giảm sút chỉ còn trên 700 lao động.
Kiến nghị, giải pháp
Qua các đợt dịch tác động, hiện nay các cơ sở đang khó khăn về nguồn vốn để chỉnh trang cơ sở, sửa chữa tàu thuyền, trang thiết bị để chuẩn bị hoạt động trong bối cảnh mới, đón khách quay trở lại với du lịch Vĩnh Long. Doanh nghiệp mong sớm triển khai Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Hỗ trợ cho nhân viên các thủ tục hồ sơ trong giải quyết các chế độ, chính sách theo Nghị quyết 68, cũng như một số chính sách ban hành từ Trung ương, mong được nhanh chóng triển khai giúp các cơ sở vượt qua khó khăn.
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện trong việc đăng cai các sự kiện mang tính cấp vùng được tổ chức tại tỉnh, nhằm tạo điểm nhấn trong giới thiệu quảng bá du lịch tỉnh Vĩnh Long đến các đối tượng khách trong vùng liên kết, góp phần phục hồi phát triển du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai nhanh các gói hỗ trợ theo quy định, đặc biệt về thuế và tín dụng vay.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ những khó khăn ngành du lịch do dịch bệnh. Đề nghị ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các cơ sở kinh doanh du lịch sớm có phương án phục hồi đón khách du lịch trong tình hình mới.
Yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch vừa phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo thành điểm nhấn để thu hút khách tham quan.
Các doanh nghiệp phải liên kết, phối hợp tạo nên các tour tuyến du lịch khép kín, vừa mang tính trải nghiệm vừa mang tính dân dã để hấp dẫn du khách. Trong đó, cần quan tâm không gian nghỉ dưỡng, không gian vui chơi giải trí, tạo sự thoải mái, sạch sẽ, an toàn, thẩm mỹ… để giữ chân du khách.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, sẽ được cụ thể hóa trong định hướng kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh cuối năm 2021 và cả năm 2022. Qua đó, sẽ lên lộ trình trước mắt là gắn kết với các công ty lữ hành của tỉnh và TP Hồ Chí Minh xây dựng tour khép kín thử nghiệm, sau đó áp dụng đại trà. Dự kiến, trong đợt Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Vĩnh Long hoàn thiện lại các tour truyền thống và xây dựng các tour mới phục vụ, thu hút khách quay trở lại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin