Nhiều cha mẹ có thói quen tự quyết định, áp đặt suy nghĩ của mình vào con, nhưng lại mong con trở thành người có chứng kiến, tư duy độc lập là điều vô lý. Việc phớt lờ những ý kiến của trẻ, áp đặt suy nghĩ của người lớn có thể dẫn đến những tổn thương về mặt tâm lý của trẻ.
Nhiều cha mẹ có thói quen tự quyết định, áp đặt suy nghĩ của mình vào con, nhưng lại mong con trở thành người có chứng kiến, tư duy độc lập là điều vô lý. Việc phớt lờ những ý kiến của trẻ, áp đặt suy nghĩ của người lớn có thể dẫn đến những tổn thương về mặt tâm lý của trẻ.
Theo Báo cáo Tiếng nói của trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) thực hiện cho thấy, nhiều trẻ em có mong muốn được người lớn như cha mẹ, thầy cô lắng nghe, quan tâm đến ý kiến hoặc cho trẻ được tham gia lập kế hoạch, ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân trẻ.
Báo cáo này cũng ghi lại ý kiến của một nhóm học sinh Đắk Lắk rằng: “Chúng em mong muốn và chúng em có quyền được đưa ra ý kiến của mình về các hoạt động ở nhà như ý kiến về bữa ăn, các vấn đề bức xúc cần thiết trong gia đình, hoạt động học tập, điểm số, giao lưu bạn bè, nhưng nhiều khi chính chúng em lại không được đưa ra những ý kiến đó”.
Một số trẻ em khác lại cho rằng “bố mẹ thường phớt lờ những gì con nói”. |
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, chuyên gia về trẻ em cho rằng, khi nói đến quyền trẻ em, thường đề cập tới 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia. Trẻ em luôn luôn cần được bao bọc và bảo vệ, tuy nhiên vì vậy mà nhiều phụ huynh đã quên rằng trẻ em có một quyền rất quan trọng, đó là quyền được lên tiếng.
“Tôi nghĩ rằng nhiều người lớn quên mất câu nói “Con nghĩ như thế nào?”. Khi trẻ còn nhỏ, người lớn quyết định thay cho mọi việc của trẻ nhỏ nhưng lại mong rằng khi trẻ lớn lên sẽ luôn có những tư duy độc lập, có chính kiến, có lẽ đây là một suy nghĩ không phù hợp bởi chính chúng ta đã khiến cho trẻ trở nên phụ thuộc, thụ động trong suy nghĩ và hành động từ khi còn nhỏ. Khi người lớn cho các em quyền được quyết định cũng là lúc giáo dục các em trở thành những công dân văn minh”, bà Nguyễn Phương Linh nói.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Khoa Tâm lý, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc trẻ em được quyền tham gia, lắng nghe quan điểm, chia sẻ ý kiến có thể giúp trẻ nâng cao lòng tự trọng, khả năng nhận thức, kỹ năng xã hội và sự tôn trọng của trẻ đối với người khác.
“Việc trẻ được tham gia vào các quyết định liên quan đến bản thân, được lắng nghe và chia sẻ ý kiến khiến trẻ cảm nhận bản thân có giá trị, trẻ cảm thấy rằng những suy nghĩ của mình được coi trọng, mình được chấp nhận và thấu hiểu, điều này góp phần định hình giá trị bản thân, giúp trẻ xây dựng hình ảnh tích cực về chính mình, thông qua đó lòng tự trọng của trẻ được nâng cao.
Bên cạnh đó, việc được tham gia, được lắng nghe còn góp phần làm tăng tính độc lập, tự tin ở trẻ. Về lâu dài, niềm tin vào bản thân có thể tác động tới khả năng các em xây dựng niềm tin vào những người xung quanh.
Lợi ích của niềm tin đó không chỉ có ý nghĩa tại thời điểm trẻ được tham gia, mà nó còn đi theo sự trưởng thành của trẻ và góp phần vào các quyết định cá nhân trong cuộc sống đến việc xây dựng các mối liên hệ an toàn (tình bạn, tình yêu) ở tuổi trưởng thành”, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái cũng cho rằng, việc được người lớn lắng nghe, được tham gia trong các quyết định liên quan đến trẻ cũng giúp trẻ học được cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Trẻ cũng sẽ học được cách chấp nhận người khác và khiến người khác chấp nhận bản thân mình.
Ở tuổi trưởng thành, cá nhân có thể tôn trọng rằng những gì là đúng, là quan trọng với mình có thể không đúng, không quan trọng với người khác.
Điều này làm giảm những phán xét tiêu cực trong các mối liên hệ xã hội, đồng thời, lòng khoan dung và tôn trọng người khác cũng làm giảm nguy cơ cho những hành vi không phù hợp chuẩn mực ở trẻ như sự gây hấn, vi phạm các chuẩn mực.
Theo PGS.TS Thái, không phải lúc nào người lớn cũng có cái nhìn đủ sâu sắc về cuộc sống của trẻ em để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt liên quan đến trẻ.
Do đó, tạo cơ hội cho từng trẻ em được lắng nghe là rất quan trọng để đảm bảo rằng các quyết định phù hợp được đưa ra dựa trên quan điểm của trẻ.
Trong gia đình, đó có thể là những quyết định liên quan đến sự phát triển của bản thân như môn học, trường học, ngành học hoặc liên quan đến khía cạnh tình cảm như sống cùng cha hay mẹ trong điều kiện cha mẹ ly hôn, tại trường học, đó có thể là những quyết định liên quan đến việc học và quyền lợi của trẻ như việc giữ bí mật thông tin nếu trẻ cần sự hỗ trợ của nhà tâm lý học đường, xây dựng các khu thí nghiệm/vui chơi phù hợp với nhu cầu của học sinh nam và nữ, phương pháp tổ chức học tập.
Trẻ có thể có nhiều phản ứng tâm lý tiêu cực khi bị người lớn phớt lờ
Theo PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, khi lời nói của trẻ bị phớt lờ, xem thường, coi nhẹ có thể dẫn đến những phản ứng tâm lý không tích cực của trẻ. Một số tác động tiêu cực có thể kể tới là mất kết nối tâm lý với môi trường sống.
Hệ lụy của việc này là trẻ có thể thu mình, tham gia vào nhóm một cách thụ động, chờ đợi người khác quyết định và lên tiếng thay mình.
Ở một góc độ khác, trẻ cũng có thể phản ứng theo cách bốc đồng, thách thức lại những áp đặt từ bên ngoài khi trẻ không được lắng nghe và chia sẻ quan điểm của bản thân.
Cả hai hình thức thụ động và chống đối này đều thể hiện sự mất cân bằng tâm lý của trẻ và càng khiến trẻ tăng cường sự mất kết nối về mặt tâm lý với môi trường sống của mình, bất luận là trong gia đình hay tại trường học.
PGS.TS Thái cũng cho rằng, khi bị phớt lờ ý kiến, nhiều trẻ có xu hướng suy nghĩ rằng để được người lớn công nhận, trẻ cần làm theo những gì người lớn muốn - những thứ đi theo nhu cầu của người lớn mà không xuất phát từ nhu cầu của trẻ.
Điều này khiến trẻ sống với phần “mặt nạ” và từ chối bản thân mình. Trẻ học cách trở thành “một đứa con hoàn hảo” hoặc “một học sinh kiểu mẫu” trong thời niên thiếu.
Ở tuổi trưởng thành, cá nhân lại cố gắng để bày tỏ ra bên ngoài như “một người phụ nữ chuẩn mực” hoặc “một người đàn ông đáng mơ ước”.
Khi một người phải “gồng mình” làm những điều không mong muốn thì sẽ liên tục trải nghiệm sự căng thẳng nội tâm. Đây cũng là một trong những nguồn cơn dẫn đến đau khổ tâm lý.
Từ những hệ lụy trên, chuyên gia này cho rằng, cha mẹ cần dành thời gian chia sẻ, khích lệ con chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của con về mọi việc
Cùng con đưa ra các lựa chọn liên quan đến con thay vì tự quyết định hộ con. Hướng dẫn con bày tỏ các quan điểm cá nhân một cách lành mạnh.
Đối với thầy cô cũng cần tôn trọng những quan điểm của trẻ, không phân biệt đối xử giữa các trẻ dựa trên mong muốn của giáo viên về một hình mẫu học sinh lý tưởng.
Tạo môi trường học đường dân chủ, ở đó trẻ được tích cực tham gia các hoạt động dựa theo năng lực và mong muốn của bản thân, nói cách khác là đi theo triết lý lấy học sinh làm trọng tâm./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin