
Tuyên truyền, tư vấn học nghề, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm cho người lao động; rà soát, thống kê và dự báo nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, thị trường lao động...
![]() |
Nhu cầu nghề nghiệp, việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp có tỷ trọng cao trong hệ thống ngành nghề đào tạo cho người lao động nông thôn. |
Tuyên truyền, tư vấn học nghề, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm cho người lao động; rà soát, thống kê và dự báo nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, thị trường lao động...
Đây là 1 trong 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động của Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025, theo quyết định của UBND tỉnh trên tinh thần triển khai thực hiện Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhiệm vụ, hoạt động của đề án còn gồm: hỗ trợ xây dựng, cập nhật bổ sung phát triển chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ hoặc đơn giá đặt hàng đào tạo; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, người tham gia đào tạo nghề và cán bộ quản lý tham gia thực hiện đề án; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động.
Hoạt động hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động bao gồm: đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp; đào tạo các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức thực hiện các mô hình hỗ trợ đào tạo.
Việc tổ chức thực hiện các mô hình hỗ trợ đào tạo các ngành nghề lĩnh vực nói trên luôn gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng các công trình, hoạt động phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Anh Minh Vương (xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm) có nghề thợ hồ, là 1 trong 18 học viên tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng do Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Vũng Liêm và xã Trung Thành Tây phối hợp tổ chức. Anh nói lớp học đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho nghề nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Mười Một- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Vũng Liêm, học viên học tập đầy đủ, tiếp thu tích cực. Học viên là thợ hồ, người làm nghề xây dựng có kinh nghiệm, thông qua lớp học đã được củng cố và bổ sung kiến thức căn bản hơn.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc trung tâm, qua 10 năm triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đơn vị đã phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động nông thôn. Trong số đó có 20 lớp may công nghiệp và 5 lớp hàn với tổng số 450 học viên gắn với nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, ngành đã tổ chức 270 lớp đào tạo nghề cho 5.816 lao động nông thôn (đạt 83,08% kế hoạch và tăng 7,6%).
Theo ông Dương Quốc Thạnh- Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp thuộc sở, hệ thống các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo đề án gồm có: xây dựng dân dụng, điện dân dụng, hàn, may công nghiệp, sinh vật cảnh, đan đát,... Tham gia học, người lao động có được kiến thức, kỹ năng tốt hơn và quan trọng sau học nghề, người học được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề- điều kiện căn bản để tham gia vào thị trường lao động.
Những nhiệm vụ trên bám sát tinh thần chỉ đạo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với phương châm: “Đào tạo nghề khi xác định được việc làm cho người lao động” và “Tăng cường đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp”. Đồng thời sẽ được cụ thể hóa trong triển khai công tác đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin