Thời gian qua, triển khai nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển theo Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thời gian qua, triển khai nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển theo Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực hiện tốt công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số.Ảnh chụp trước dịch |
Thay đổi nhận thức và hành động của người dân
Thực hiện công tác DS trong tình hình mới, Sở Y tế và các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo, kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, quan tâm, tăng cường công tác lãnh chỉ đạo công tác DS, đặt trọng tâm là ổn định mức sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên và nâng cao chất lượng DS; kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác DS phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Việc tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các đề án, mô hình nâng cao chất lượng DS như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc và chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân... đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân.
Chị Cát Phương (Tam Bình) chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh được 2 đứa con gái nhưng cũng không có ý định sinh thêm để có con trai. Không sinh thêm con thứ 3 nữa để chăm sóc các con khỏe hơn, tốt hơn, học hành đến nơi đến chốn”.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, năm 2020, công tác DS của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như tỷ số giới tính khi sinh từ 108,9 bé trai/100 bé gái năm 2017 giảm xuống còn 106,7 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh từ 40,4% tăng lên 75%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh từ 25,7% tăng lên 85,3%.
Bên cạnh đó, chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; lồng ghép các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho ra đời những trẻ em khỏe mạnh, giảm thiểu tối đa các bệnh tật sơ sinh; tỷ lệ người cao tuổi được chăm sóc và khám sức khỏe định kỳ tăng lên hàng năm. Từ đó, chất lượng cuộc sống người dân, chất lượng DS từng bước được nâng lên.
Chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh còn gặp những khó khăn và thách thức. Mặc dù từng bước đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, nhưng mức sinh có xu hướng giảm thấp.
Tỷ số giới tính khi sinh từng bước được khống chế nhưng chưa ổn định, có nơi còn diễn ra mất cân bằng ngược. “Mặt khác, công tác tuyên truyền, can thiệp vào các thiết chế, tập quán văn hóa chưa hiệu quả; lạm dụng khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi… cũng là thách thức của tỉnh trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tốc độ già hóa DS đang diễn ra nhanh chóng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ứng phó. Cán bộ DS sau khi được sáp nhập phải kiêm nhiệm thêm nhiều nội dung khác như phòng chống dịch bệnh, nên dành ít thời gian cho công tác chuyên môn. Kinh phí thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS chưa được quan tâm đầu tư… Điều này đặt ra những nội dung mới, nhiệm vụ mới và thử thách mới cho công tác DS và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 21 về công tác DS trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII nhấn mạnh: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Theo Giám đốc Sở Y tế Văn Công Minh, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông về DS trong tình hình mới; tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về DS, đặc biệt là về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, quản lý kiểm soát mức sinh với thông điệp “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng, ưu tiên các đối tượng khó tiếp cận thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ DS toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bổ DS.
Bài, ảnh: AN CHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin